Tôn trọng tính cách của con

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một phụ huynh cho biết, họp lớp cuối năm, cô giáo khi nhận xét con của chị đã nói cháu ngoan nhưng hầu như không mạnh dạn phát biểu ý kiến. Cô cho rằng phụ huynh nên lưu ý, nhắc nhở cháu. Cô nhận xét thêm: “Cháu sống hướng nội”.

Thông thường, khi nhận nhét về tính cách, người ta chia ra hai dạng, kiểu người. đó là sống hướng nội và hướng ngoại. Hai dạng tính cách này gần như trái ngược nhau. Người hướng ngoại nhiệt tình, năng động, thích quảng giao, ăn nói lưu loát… Người hướng nội sống thu mình, khép kín, ít bạn bè…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quan trọng là, hầu như bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình có tính cách hướng ngoại để sau này làm việc năng động hơn, dễ được người khác kết bạn hơn, nhất là xã hội ngày càng có xu hướng làm việc theo nhóm.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục cho biết, trẻ có tính hướng nội có những tính cách đáng quý như: Nhìn cuộc sống một cách sâu sắc, ít kết bạn nhưng bạn thường rất thân, đồng cảm trong cuộc sống. Trẻ hướng nội thường biết lắng nghe để thông cảm với người khác… Trẻ hướng nội cũng là người tập trung cao độ cho công việc.

Điều cuối cùng là, trẻ hướng nội vẫn có những tính cách như trẻ hướng ngoại ở một số điểm, như việc thích tập luyện thể dục - thể thao, học tập… Có nghĩa là sự phân chia tính cách hướng nội hay hướng ngoại cũng không hoàn toàn tuyệt đối.

Cha mẹ cần hiểu tính cách của trẻ, để giúp trẻ phát huy sở trường, khắc phục sở đoản. Với trẻ hướng nội, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ kết giao thêm bạn bè, mạnh dạn phát biều ý kiến trong lớp học… Trong việc học ngoại ngữ chẳng hạn, nếu trẻ không mạnh dạn giao tiếp thì sẽ không thành thạo kỹ năng nói. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần tôn trọng tính cách của trẻ, vì chính khi được sống đúng với tính cách của mình, trẻ mới cảm thấy thoải mái nhất, phát huy được khả năng của bản thân nhất.

Thiền sư người Ấn Độ Sadhguru nói: "Sự sống bên trong bạn là điều có thực duy nhất - tất cả mọi thứ khác chỉ là sự phóng chiếu mà thôi" (The life within you is the only real thing - everything else is just a projection). Đó là một cách hiểu về con người, về cuộc sống và cách hiểu này gần như tán đồng người hướng nội (hướng về bản thân mình hơn). Điều đó cho thấy: Con trẻ ở tính cách nào cũng đáng quý.

Tuy nhiên, như đã nói, đứa trẻ nào rồi cũng phải ra xã hội làm việc, lao động và học tập. Do đó, cha mẹ cần nhắc trẻ hướng nội bỏ qua sợ hãi và nỗi rụt rè nếu có để tích cực và chủ động hơn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tự tin, dõng dạc hơn khi phát biểu, lúc này cũng cần nhìn thẳng vào mắt người lắng nghe.

Dịp nghỉ hè đã đến, cha mẹ cho con cái đi đây, đi đó trải nghiệm cũng là cách giúp trẻ bớt nhút nhát, thụ động.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần