Tôn trọng ý kiến giáo viên trong lựa chọn sách giáo khoa

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong tháng 3/2022, giáo viên tại các trường học trên cả nước, trong đó có Hà Nội đã và sẽ có cơ hội tiếp cận toàn diện, đa chiều với các bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sẽ đưa vào sử dụng từ năm học 2022- 2023 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên hào hứng

Từ năm học 2022- 2023, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ý thức rõ điều này nên khi được tham gia hội nghị giới thiệu SGK trực tuyến do Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức, hàng nghìn thầy cô giáo tại các trường học Hà Nội đều rất hào hứng và nêu cao tinh thần trách nhiệm; sẵn sàng chờ đón, lĩnh hội những điều mới mẻ từ các bộ sách.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến tại buổi giới thiệu SGK lớp 10
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến tại buổi giới thiệu SGK lớp 10

Sau khi nghe giới thiệu tổng quát về các sách bộ Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo…, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường còn được tổng chủ biên, chủ biên, tác giả sách chia sẻ về nội dung, cấu trúc, cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy cũng như những điểm nhấn của từng cuốn sách…  Đây là cơ sở để các trường tổ chức cho giáo viên thuộc từng tổ chuyên môn nghiên cứu, lựa chọn cuốn sách sử dụng trong trường mình ở các môn học.

 

Thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Hà Nội đã dành 3 ngày để tổ chức giới thiệu các bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 đến đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Theo đó, ngày 12/3 giới thiệu SGK lớp 7; ngày 13/3 giới thiệu SGK lớp 10; ngày 19/3 giới thiệu SGK lớp 3.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, với tinh thần sẵn sàng chờ đón chương trình GDPT mới, tại buổi giới thiệu SGK mới lớp 7, 550 cán bộ quản lý, giáo viên tại 14 trường THCS trên địa bàn quận đã tích cực tham gia để cùng lắng nghe, thảo luận, lĩnh hội nội dung từng cuốn sách.

Là giáo viên thuộc tổ Khoa học Tự nhiên, cô giáo Lê Thanh Minh, trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho rằng, việc tham gia buổi giới thiệu SGK mới có ý nghĩa rất quan trọng với mỗi giáo viên trực tiếp giảng dạy. Cùng một buổi, các thầy cô giáo được nghe chia sẻ về ý tưởng, nội dung cụ thể của từng cuốn sách từ chính nhóm tác giả biên soạn. Sau buổi giới thiệu, các giáo viên sẽ về tự tìm hiểu từng cuốn sách mình quan tâm qua bản điện tử để trước hết hiểu sâu sắc ý tưởng của tác giả; sau đó sẽ cùng tìm cách truyền đạt nội dung, ý nghĩa bài học đến với học sinh.

“Điểm nổi bật ở mỗi cuốn SGK mới đó là hình thức rất đẹp, bắt mắt, hiện đại; nội dung và cách thức thể hiện của từng cuốn cũng mới mẻ, sáng tạo. Hy vọng rằng, chương trình mới sẽ mang đến cho học sinh sự hứng thú trong từng bài học”- cô Lê Thị Định, giáo viên Ngữ văn tại trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Phát huy tiếng nói của người thầy

Nếu như cấp tiểu học và THCS cung cấp kiến thức cơ bản mang tính chất nền tảng; hơn nữa có thuận lợi là đã triển khai Chương trình GDPT 2018 ở năm học trước thì với lớp 10 sẽ khó khăn hơn vì ngoài kiến thức khó còn bởi chương trình hướng đến mục tiêu mới, đó là định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đại diện nhóm biên soạn giới thiệu SGK
Đại diện nhóm biên soạn giới thiệu SGK Lịch sử 10

Tại buổi giới thiệu SGK mới lớp 10, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: “Năm học 2020 - 2021 thì chúng ta đã đổi mới chương trình SGK lớp 1; năm học 2021- 2022  đổi mới chương trình SGK lớp 2, lớp 6. Năm nay, chúng ta tiếp tục đổi mới sách lớp 3, 7, 10. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình lớp 10 có khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với đổi mới ở cấp tiểu học và THCS. Mong các nhà trường quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình SGK theo Chương trình GDPT 2018...”.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình đổi mới, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3; Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 là một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Đây cũng là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, rất toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý giáo dục.

Liên quan đến lựa chọn SGK, Bộ trưởng lưu ý: Tinh thần chung là cố gắng đảm bảo sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học, đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ SGK thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng có thể tham khảo nhiều sách. Bộ trưởng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn sách và dạy học SGK mới nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ GD&ĐT.

Thêm nữa, việc lựa chọn SGK phải được thực hiện minh bạch, khách quan; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách. UBND cấp tỉnh/TP phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn SGK theo đúng tinh thần Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, các tỉnh/ TP phải thành lập hội đồng lựa chọn SGK; mỗi hội đồng TP tối thiểu có 15 thành viên gồm các cán bộ quản lý của Sở, phòng chuyên môn, chuyên gia lĩnh vực, giáo viên trực tiếp giảng dạy cùng nghiên cứu từng cuốn sách, tham khảo sự lựa chọn của các nhà trường để đưa ra danh mục SGK của TP. Mỗi cuốn sách, tất cả các thành viên đều có ý kiến nhận định đánh giá, sau đó hội đồng sẽ bỏ phiếu kín. Cuốn sách nào có 50% số thành viên trong hội đồng bỏ phiếu nhất trí lựa chọn thì cuốn sách đó sẽ được đưa vào danh mục để Hội đồng TP lựa chọn. 

 

Căn cứ quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2022- 2023 của Bộ GD&ĐT thì: SGK lớp 3 gồm 43 đầu sách; SGK lớp 7 gồm 40 đầu sách và SGK lớp 10 gồm 44 đầu sách.

Theo đó, Bộ SGK lớp 3 gồm 11 môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Anh.

Bộ SGK lớp 7 gồm 12 môn: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Giáo dục thể chất, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Tiếng Anh.

Bộ SGK lớp 10 gồm 13 môn: Ngữ văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Giáo dục thể chất, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Âm nhạc, Công nghệ, Tiếng Anh.