Tôn vinh những chiến sĩ áo trắng chống dịch Covid-19

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong không khí cả nước hướng về Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), những chiến sĩ áo trắng của Thủ đô vẫn đang ngày đêm chiến đấu với dịch Covid-19. Kể từ khi làn sóng mới của dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn Hà Nội, đồng hành với y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, những cán bộ y tế cơ sở của quận Nam Từ Liêm cũng đã nỗ lực hết sức mình với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Nhân viên y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân về từ vùng dịch tại quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Tranh thủ chợp mắt trên xe cấp cứu

Trong muôn vàn công việc mà các cán bộ y tế quận Nam Từ Liêm đã và đang triển khai, không thể không nhắc đến công việc của những chiến sĩ áo trắng của đội cơ động phòng chống dịch (đội phản ứng nhanh), Trung tâm Y tế (TTYT) quận Nam Từ Liêm.

Là cán bộ dịch tễ của đội cơ động phòng chống dịch, Khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT quận Nam Từ Liêm đã 6 năm nay nhưng với anh Nguyễn Công Bình (31 tuổi), đợt dịch lần này có nhiều điều đặc biệt, gian truân, vất vả. Thời gian qua, anh Bình cùng đồng đội thường xuyên phải đi đón tổ bay và các chuyên gia nước ngoài ở sân bay Nội Bài về khu cách ly tập trung. “Có lẽ, vất vả hơn cả khi chúng tôi đón khách ở sân bay Nội Bài. Cách đây 1 - 2 ngày, chúng tôi đi đón khách từ 9 giờ tối hôm trước đến tận 4 giờ 30 phút sáng hôm sau mới đón được chuyên gia về khu cách ly. Bởi lượng khách về quá đông do các tỉnh khác (Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc…) cũng có nhiều đoàn đón khách. Trong khi, đơn vị hàng không phải ưu tiên cho các tỉnh đón khách về trước, sau đó mới đến Hà Nội. Thế nên, mỗi khi đón khách ở sân bay, chúng tôi thường nằm vạ vật ở hành lang phía nhà chờ”- anh Bình tâm sự.

Anh Bình phụ trách chuyên môn trực tiếp tại khách sạn Crowne Plaza West Hà Nội (Hyatt Regency West Hanoi) - nơi cách ly cho các tổ bay và chuyên gia. Ở khách sạn, anh có nhiệm vụ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm cho phi công khi họ bay về. Sau khi có kết quả âm tính, họ lại tiếp tục thực hiện các chuyến bay tiếp theo. Còn việc giám sát các chuyên gia cũng đỡ vất vả hơn bởi họ ở khách sạn liền 14 ngày, nhân viên y tế chỉ xét nghiệm 2 lần là hoàn thành.

Chia sẻ về sự vất vả của y bác sĩ nơi đây, anh Bình tâm sự, ở thời điểm khi dịch căng thẳng, với công việc đáp ứng nhanh, một ngày hầu như họ phải “chạy” từ 7 giờ sáng hôm trước đến tận 4 - 5 giờ sáng hôm sau mới kết thúc, thậm chí có những ngày, công việc diễn ra 2 ngày 2 đêm liên tục. Nhiều khi chỉ có 1 bệnh nhân dương tính thôi là những chiến sĩ áo xanh, áo trắng phải chạy thông ngày xuyên đêm để truy vết các trường hợp tiếp xúc gần. Khi xuống địa bàn điều tra dịch tễ bệnh nhân dương tính, họ phải thực hiện rất nhiều công đoạn như khai thác bệnh nhân F1, lấy mẫu và chuyển đến khu cách ly tập trung, sau đó, tiếp tục điều tra F1 để lấy thông tin F2. Nên khi có thông tin dù là 1 - 2 giờ sáng, dù mưa rét, đội của anh Bình sẵn sàng nhận lệnh và nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt. Thế nên trong giai đoạn dịch diễn ra, anh em trong đội chỉ kịp ăn vội, uống vội, tranh thủ chợp mắt những lúc ngồi trên xe cấp cứu....

Vì nhiệm vụ đặc biệt, từ Tết đến nay, anh Bình chỉ thường liên lạc với gia đình qua Zalo, Facebook chứ không dám về nhà hoặc tiếp xúc với người thân. Khi có nhân viên y tế Hải Phòng mắc Covid-19, gia đình lo lắng gọi điện, động viên anh giữ gìn sức khỏe, bảo hộ cẩn thận… Thực tế, nhân viên y tế nơi đây đã được tập huấn, trang bị bảo hộ đầy đủ nên họ cũng không lo ngại lắm.

Dù vậy, với anh Bình, công tác chống dịch ở quận Nam Từ Liêm đợt này có rất nhiều điều đặc biệt. “Đến giờ, tôi không thể quên hình ảnh những học sinh của trường Tiểu học Xuân Phương. Thật khó có thể cầm lòng khi chứng kiến những học sinh không có bố mẹ đi cùng, nửa đêm các em dậy, đứng ở hành lang khóc vì nhớ gia đình. Lúc ấy, tôi thấy cay cay nơi khóe mắt” - anh Bình xúc động chia sẻ.
Anh Nguyễn Công Bình - nhân viên Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm cùng đồng đội điều tra dịch tễ ca bệnh. Ảnh: Trần Thảo
Chùn chân... nhưng quyết không gục ngã

Còn theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Lĩnh - Đội trưởng Đội cơ động phòng chống dịch (đội số 1), Khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT quận Nam Từ Liêm, hơn 6 năm làm công tác chống dịch, với anh, trong đợt dịch này có quá nhiều cảm xúc. Bởi khi tỷ lệ ca bệnh lây lan nhanh, tinh thần của nhân viên y tế chống dịch cũng khác nhiều. “Ở thời điểm trước, khi điều tra các ca dương tính, tôi cũng không lo lắng lắm. Nhưng đợt dịch lần này thực sự, khi vào gặp các ca dương tính, mặc dù chúng tôi được trang bị phòng hộ khá đầy đủ song tâm trạng vẫn hồi hộp, thời gian đầu, có lúc tôi cũng hơi chùn chân. Tuy nhiên, sau khi bình tâm trở lại, tôi và đồng đội lại tiếp tục chiến đấu, tự nhủ sẽ cố gắng cẩn thận, quyết không thể gục ngã” - anh Lĩnh chia sẻ.

Anh Lĩnh cho rằng, đây là dịch mới đòi hỏi nhanh, công việc triển khai ở cộng đồng khá gấp rút, lực lượng cán bộ y tế lại mỏng, trong khi cán bộ y tế có chuyên môn sâu để vào gặp trực tiếp các ca bệnh dương tính, ca F1, điều tra, lấy các thông tin dịch tễ còn ít. Đặc biệt, điều tra một ca dương tính, hỏi tiền sử dịch tễ của ca bệnh khá khó. Bởi nhiều người không nhớ được hết các chi tiết, họ phải hỏi rất kỹ, đòi hỏi cán bộ y tế phải có kỹ năng khai thác. Khi có dịch ở trong cộng đồng, lực lượng y tế lấy mẫu tập trung với số lượng rất nhiều. Đơn cử như ở ổ dịch chung cư tại phường Mỹ Đình 2, Xuân Phương, họ phải lấy từ 1.000 - 2.000 mẫu xét nghiệm. Do công việc đột xuất, công tác phối hợp với các ban ngành chưa được như ý muốn nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

“Thực tế, trong quá trình điều tra dịch tễ, nhiều trường hợp ngại, không khai báo trung thực bởi lây nhiễm từ những địa điểm nhạy cảm nên nhiều khi điều tra dịch tễ cũng cần phải có nghệ thuật. Ban đầu, chúng tôi phải đả thông tư tưởng để tâm lý của họ không hoang mang nếu nhận kết quả dương tính với SARS-COV-2. Nhiều trường hợp không thể nhớ được hết, cán bộ y tế phải động viên người dân để họ bình tĩnh hợp tác giúp cán bộ y tế khai thác được thông tin” - anh Lĩnh cho hay.

Đến thời điểm này, quận đã cách ly được hơn 12.000 trường hợp. Việc đưa đón, lấy mẫu cho các trường hợp nhập cảnh cũng vất vả không kém, trong khi, trang thiết bị, cán bộ y tế nơi đây cũng phải dùng tiết kiệm. Theo anh Lĩnh, có thời điểm, nhân viên y tế nơi đây dù đã thấm mệt nhưng hôm sau, họ vẫn phải cố gắng tiếp tục công việc bởi không có người thay thế. Khoảng gần 2 tháng nay, họ làm việc hết công suất. Khó khăn là thế nhưng anh em đều cố gắng để hoàn thành công việc được giao, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Trong đợt dịch này, quận Nam Từ Liêm đã lấy mẫu xét nghiệm cho 8.355 người dân. Trong đó, quận đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 5.013 người từ Hải Dương về. Tính đến thời điểm này, quận Nam Từ Liêm ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất TP (13 ca) nên cán bộ y tế nơi đây vất vả hơn các địa phương khác. Do thời gian triển khai diễn ra ngắn, đòi hỏi nhanh, gấp, trong khi quận lại gặp nhiều khó khăn trong điều tra dịch tễ. Lấy mẫu đã vất vả, công tác chuyển mẫu xét nghiệm lại còn nhiều vất vả hơn bởi nhiều khi phải liên hệ chuyển mẫu đi khắp nơi để xét nghiệm như: Ba Vì, Sơn Tây, Thanh Nhàn…

Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS, TTYT quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Lê Vân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần