Cộng đồng quốc tế nhận định, việc xây dựng nền ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tiếp nối Tư tưởng thời đại Hồ Chí Minh, đem lại nền tảng vững chắc cho ngoại giao Việt Nam.
Ngành ngoại giao với đường lối tiếp cận "ngoại giao cây tre", kiên định bảo vệ độc lập, tự chủ và chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, đã giúp nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, Giáo sư (GS) Carl Thayer từ Đại học New South Wales chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
"Khái niệm này được người dân Việt Nam hiểu rộng rãi bởi tính đơn giản - chắc chắn nhưng linh hoạt. Nói cách khác, ngoại giao cây tre có nguồn gốc theo nghĩa đen và nghĩa bóng trong văn hóa Việt Nam," chuyên gia Australia lưu ý.
Theo vị học giả nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, "ngoại giao cây tre" thực chất rất gần gũi với nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, với tính kiên định và linh hoạt kết hợp nhuần nhuyễn, đã được thể hiện trong nhiều dấu ấn đối ngoại Việt Nam trước đây, ví dụ như đàm phán Hiệp định Geneva, một dấu mốc lịch sử cách đây 7 thập kỷ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng tầm, phát triển đường lối này.
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya cũng cho rằng, trường phái "ngoại giao cây tre" thể hiện quá trình phát triển liên tục của hệ tư tưởng ngoại giao - đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh.
Tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” được chia sẻ trong các phát biểu, có trích dẫn và phát triển nhiều từ Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư tái khẳng định đường lối ngoại giao này tại Hội nghị ngoại giao toàn quốc tháng 12/2023 và phát triển đường lối ngoại giao trên trong thập kỷ vừa qua, Đại sứ điểm lại.
Khẳng định Việt Nam đã trải qua hành trình phát triển, tăng trưởng và tiến bộ mạnh mẽ thời gian qua, Đại sứ Ấn Độ nhận định, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối "ngoại giao cây tre" là suy nghĩ rất kỹ lưỡng, là bước đi khôn ngoan trong việc lãnh đạo chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Theo Đại sứ, trong bối cảnh thế giới đang trải qua một thời kỳ phức tạp và nhiều biến động, sự sáng suốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chính sách đối ngoại của đất nước và các vấn đề quốc tế là rất quan trọng đối với mọi quốc gia.
"Đường lối "ngoại giao cây tre" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xây dựng thực sự là một khía cạnh rất quan trọng nhằm giúp Việt Nam phát triển và tiến bộ rất vững chắc," Đại sứ nhấn mạnh.
Ông Richard D. McClellan – Giám đốc quốc gia Việt Nam tại Viện nghiên cứu Toàn cầu Tony Blair nhận định, thế cân bằng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam được khẳng định rộng rãi hơn thông qua khái niệm “ngoại giao cây tre”, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu đưa ra vào năm 2016.
Đó là hình ảnh ẩn dụ về cây tre – gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển - thể hiện bản chất trong cách tiếp cận của Việt Nam: thích ứng với hoàn cảnh linh hoạt trong khi vẫn duy trì cam kết vững chắc với lợi ích quốc gia và hòa bình.
Những nguyên tắc này khẳng định cam kết của Việt Nam duy trì chủ quyền và không liên kết trong các cam kết quốc tế, đồng thời theo đuổi quan hệ hợp tác cùng có lợi, theo ông Richard D. McClellan.
Việc xây dựng nền tảng đối ngoại vững chắc theo đường lối "ngoại giao cây tre" cũng góp phần Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cơ hội kinh tế cho sự phát triển quốc gia nhưng vẫn linh hoạt về các điều khoản và điều kiện, GS Carl Thayer khẳng định với Kinh tế & Đô thị.
Những hiệp định tiêu biểu có thể kể đến như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)...
Cũng với tinh thần đó, chuyên gia Richard D. McClellan nhận định, việc cởi mở với tất cả các đối tác quốc tế đã thúc đẩy đóng góp cho sự tăng trưởng của Việt Nam, mang lại nền tảng vững chắc về phát triển kinh tế, đồng thời phòng ngừa các rủi ro chính trị trong bối cảnh toàn cầu diễn biến phức tạp.
Ví dụ, theo ông, trong đại dịch Covid-19, Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn bởi sự gián đoạn của thương mại thế giới và đã tăng trưởng đáng kể, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Cách tiếp cận đa dạng này đã góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ trong khu vực như ngày nay, chuyên gia này lưu ý.
Trong khi đó, Tham tán, Phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam Joy Puentes Saldise chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhãn quan chính trị sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các chính sách đối ngoại ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Di sản của đồng chí Nguyễn Phú Trọng hôm nay, đã vạch ra con đường đi đến thắng lợi cho sự phát triển của đất nước Việt Nam mà Cuba tin tưởng các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục nối bước gìn giữ, Tham tán, Phó Đại sứ Cuba cho biết.
"Đối với chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng về những lý luận chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đồng chí là một nhà tri thức nhưng cũng là một chính trị gia đã đạt được những thành tựu thể hiện thông qua sự phát triển mà Việt Nam đang có được," Tham tán, Phó Đại sứ Cuba Joy Puentes Saldise khẳng định.
10:16 25/07/2024