Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Belarus bình luận về khả năng tham chiến ở Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Belarus cảnh báo bước này sẽ không ngại đáp trả và sẽ có vai trò tích cực trong cuộc xung đột ở Ukraine nếu có hành vi gây hấn chống lại Minsk.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Tass
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Tass

Trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 1 hôm 14/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết đất nước của ông rất yên bình và đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, Belarus sẽ không ngại đáp trả và "tham gia mạnh mẽ (vào cuộc xung đột ở Ukraine) nếu có hành vi gây hấn chống lại chúng tôi".

"Chúng tôi có đủ sức mạnh để đáp trả", nhà lãnh đạo Belarus tuyên bố, đồng thời lưu ý thêm ông sẽ không để 10 triệu người Belarus và 3 triệu người Nga đang sống ở nước này bị tấn công. "Đó là 13 triệu người. Tôi chịu trách nhiệm vì sự an toàn của họ", Tổng thống Lukashenko tuyên bố.

Khi được yêu cầu xác định ý nghĩa của từ "gây hấn", ông Lukashenko giải thích rõ rằng "lằn ranh đỏ" là một cuộc xâm chiếm toàn diện vào Belarus. Tổng thống Belasu cũng tin rằng một cuộc tấn công như vậy có khả năng bắt nguồn từ Ba Lan, Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia nào thuộc vùng Baltic.

Lãnh đạo Belarus trước đó tuyên bố, việc các thành viên NATO có biên giới chung với Belarus duy trì một lượng quân quá lớn dường như cho thấy sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào nước này. Belarus có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Trước đó, ông Lukashenko từng tuyên bố hai nước có lực lượng hiệp đồng quân sự, nhưng Moscow chưa bao giờ đề nghị Minsk "tham gia cuộc chiến chống lại Ukraine". 

Chính quyền Tổng thống Lukashenko khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của Belarus là ngăn chặn xung đột lan sang lãnh thổ Belarus, đồng thời bảo vệ người dân nước này khỏi nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia không thân thiện trong khu vực.

Cũng trong bài phỏng vấn trên, Tổng thống Lukashenko nói rằng ông đã yêu cầu Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như một biện pháp răn đe.

Ông cũng khẳng định lý do duy nhất để sử dụng vũ khí hạt nhân là khi Belarus bị tấn công. “Tôi sẽ không do dự, nếu có hành động gây hấn chống lại chúng tôi”, ông Lukashenko nhấn mạnh.

Theo Tổng thống Lukashenko, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus được thực hiện theo "yêu cầu thiện chí" của Minsk và không bị Moscow áp đặt theo bất kỳ cách nào.

Tổng thống Lukashenko cũng xác nhận Belarus bắt đầu nhận được vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga, bao gồm bom và tên lửa. “Chúng tôi có những tên lửa và bom đã nhận từ Nga,”đồng thời thông tin số bom này “mạnh gấp 3 lần so với loại đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki”, ông nêu rõ trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-1.

Tổng thống Nga Putin đã đề cập đến thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp với người đồng cấp Lukashenko hồi đầu tháng này.

Người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng trên đất Belarus đã đi đến giai đoạn cuối và sẽ hoàn tất vào khoảng ngày 7-8/7. Sau đó, Nga sẽ bắt đầu ngay lập tức các hoạt động liên quan đến việc triển khai các loại vũ khí thích hợp trên lãnh thổ Belarus.

Trước đó, hôm 25/5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Belarus đã ký thỏa thuận cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Moscow vẫn duy trì kiểm soát và quyền ra quyết định đối với những vũ khí này. Ông Shoigu cũng nhấn mạnh, thỏa thuận của Nga và Belarus tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện hành.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng cho các mục tiêu cụ thể trên chiến trường và có thể thay thế các đầu đạn thông thường trong các hệ thống vũ khí thông thường. Chúng không thể tự kích nổ mà cần một hệ thống phóng như tên lửa Iskander - hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Nga đã sử dụng để phóng các đầu đạn thông thường ở Ukraine và Syria.

Belarus có chung đường biên giới dài 1.085km với Ukraine và cách thủ đô Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cho phép Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự từ trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine.