Trong bài trả lời phỏng vấn kênh Russia 1 phát sóng hôm 28/5, Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết, bất cứ quốc gia Liên Xô cũ nào muốn bổ sung thêm một lớp phòng thủ thông qua việc lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nên nâng cấp mối quan hệ với Nga.
Theo Tổng thống Lukashenko, những quốc gia muốn được Moscow triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ có thể cần phải gia nhập Nhà nước Liên minh của Nga và Belarus.
"Không ai phản đối Kazakhstan hoặc các nước khác có quan hệ gần gũi với Liên bang Nga như Belarus" - ông Lukashenko nói khi được hỏi về bình luận gần đây của Astana về mức độ quan hệ giữa Moscow và Minsk cho phép hai nước láng giềng chia sẻ vũ khí hạt nhân.
“Một quốc gia cần phải gia nhập Nhà nước Liên minh giữa Nga và Belarus, sau đó sẽ có vũ khí hạt nhận được đặt trên lãnh thổ của họ. Cần phải hiểu rằng chúng ta chỉ có một cơ hội chiến lược duy nhất để đoàn kết” - Tổng thống Lukashenko nói, đồng thời nhấn mạnh ông chỉ đang bày tỏ quan điểm cá nhân và điều này có thể không trùng với quan điểm của Nga.
Đầu tuần này, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nhận định, mức độ hội nhập giữa Nga và Belarus khác với mức độ hội nhập giữa hai quốc gia này và các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm cả Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Ông Tokayev đặc biệt nhấn mạnh đến việc Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus.
Thông tin về việc Nga đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus đã gây ra làn sóng chỉ trích từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông thấy diễn biến này "rất tiêu cực".
Về phần mình, Nga tuyên bố họ có quyền đưa ra quyết định như vậy nhằm gia tăng an ninh cho đồng minh. Nga cũng chỉ ra việc Mỹ đang đặt vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia châu Âu.
Hiện tại, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được đặt trên lãnh thổ 5 nước NATO ở châu Âu gồm Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.