Tổng thống Macron cam kết 100 ngày để hàn gắn nước Pháp

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Macron đã đặt cược danh tiếng của mình như là một nhà cải cách, đi đầu trong những thay đổi về lương hưu - điều mà ông cho là cần thiết để tránh thâm hụt hàng tỷ euro mỗi năm cho nước Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Trong một bài phát biểu trên truyền hình diễn ra 2 ngày sau khi ký ban hành luật kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, Tổng thống Macron cho biết ông yêu cầu Thủ tướng của mình đề xuất các biện pháp về điều kiện làm việc, luật pháp và trật tự, các vấn đề giáo dục và y tế.

"Vào ngày 14/7, chúng ta sẽ cần có kết quả để xem xét" - ông Macron nói, đề cập đến Ngày Quốc khánh của Pháp, thường là một cột mốc quan trọng trong chính trị quốc gia này - "Chúng ta có 100 ngày trước mắt để xoa dịu, đoàn kết, kỳ vọng và hành động vì nước Pháp".

Ông Macron đã đặt cược danh tiếng của mình như là một nhà cải cách, đi đầu trong những thay đổi về lương hưu - điều mà ông cho là cần thiết để tránh thâm hụt hàng tỷ euro mỗi năm cho nước Pháp vào cuối thập kỷ này.

Nhưng Tổng thống Pháp lại tỏ ra thất bại trong việc thuyết phục đa số nghị viện để ủng hộ cải cách, điều đã buộc ông phải ép Chính phủ thông qua luật mà không cần Quốc hội bỏ phiếu bằng cách sử dụng các quyền hiến định đặc biệt. Quyết định này đã khiến uy tín chính trị của ông Macron bị suy giảm nặng nề.

Ngay cả trong khi ông Macron bắt đầu bài phát biểu của mình hôm 17/4, những người biểu tình đã đập xoong nồi trước các tòa thị chính trên khắp đất nước, và một số nhóm nhỏ người biểu tình vẫn tiếp tục đốt các thùng rác ở thủ đô Paris.

Tổng thống Pháp cho biết ông lấy làm tiếc vì những thay đổi đã không được công chúng ủng hộ. "Cải cách này có được chấp nhận không? Rõ ràng là không. Sau nhiều tháng đàm phán, nó vẫn không đạt được sự đồng thuận và tôi lấy làm tiếc về điều đó. Chúng ta phải rút ra bài học từ đó" - ông Macron nói.

Ông cũng đã đưa ra một vài chi tiết về lộ trình mà ông muốn Chính phủ thực hiện nhưng nói rằng Chính phủ cũng nên cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời thắt chặt luật nhập cư.

Phát biểu ngay sau bài phát biểu của Tổng thống, Laurent Berger - người đứng đầu công đoàn lớn nhất của Pháp là CFDT - cho rằng bài phát biểu của Macron chưa giải quyết được sự tức giận nơi người dân. Ông cho biết các công đoàn sẽ chỉ sẵn sàng nói chuyện với Chính phủ sau Ngày Quốc tế Lao động 1/5.