Tổng thống Nga gia hạn lệnh cấm với nhà đầu tư từ nước “không thân thiện”

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lệnh cấm sẽ kéo dài đến cuối năm 2023.

Theo hãng tin Tass, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/12 đã ký sắc lệnh cấm tất cả nhà đầu tư từ các quốc gia “không thân thiện” giao dịch cổ phiếu tại các doanh nghiệp và các ngân hàng chiến lược của Nga.

Lệnh cấm, có hiệu lực ngay lập tức, là sắc lệnh gia hạn cho sắc lệnh hành pháp của tổng thống ngày 5/8 về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, nhiên liệu và năng lượng trước các hành động không thân thiện của một số nước và tổ chức quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Photo: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Photo: Tass

Sắc lệnh trên có từ tháng 3, ban hành ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, được ấn định sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, nó đã được gia hạn thêm một năm, đến cuối năm 2023.

Lệnh cấm áp dụng cho bất kỳ giao dịch nào làm thay đổi cơ cấu sở hữu trong các công ty Nga, vốn điều lệ của họ và thủ tục phổ biến trong thực hiện dự án đầu tư.

Biện pháp hạn chế cũng áp dụng với giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư đến từ các nước “không thân thiện” muốn thực hiện ở ngân hàng Nga (trong danh sách được thống nhất bởi Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga đã được Tổng thống Putin phê duyệt).

Lệnh cấm cũng ngăn chặn nhà đầu tư từ các quốc gia “không thân thiện” bán cổ phần trong các dự án ngoài Sakhalin-1, bao gồm cả dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 và khai thác mỏ dầu Kharyaga, cũng như trong các ngân hàng của Nga, cùng nhiều tài sản khác.

Cũng vào tháng 3 năm nay, Chính phủ Nga phê duyệt danh sách hơn 200 loại thiết bị và hàng hóa bị cấm xuất khẩu, gồm thiết bị công nghệ, viễn thông, y tế, xe cộ, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện.

Những mặt hàng này tạm thời bị hạn chế xuất đi các nước, trừ đối tác của Nga trong Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Abkhazia và Nam Ossetia.

Ngoài ra, việc xuất khẩu một số loại gỗ sang các nước “không thân thiện” cũng bị cấm. Lệnh cấm không nhắm mục tiêu đến phương thức vận chuyển, cũng không nhắm vào hàng hóa cho mục đích sử dụng cá nhân hay hàng hóa sản xuất tại Nga và có giấy chứng nhận xuất xứ của Nga.

Gần đây, Nga liên tục đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ lĩnh vực năng lượng và tài chính khỏi hành động của các quốc gia và tổ chức “không thân thiện”.

Đến nay, danh sách các nước bị Nga coi là “không thân thiện” đã lên đến 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh, toàn bộ Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản. Theo Moscow, đây là những nước có các hành động chống lại lợi ích của Nga sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2.