Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Mặt trận Nhân dân toàn Nga "Tất cả vì Chiến thắng!" ở thành phố Tula hôm 2/2, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển và đã trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới xét về sức mua tương đương (PPP).
"Nền kinh tế của Nga đang phát triển, khác với các nền kinh tế của châu Âu. Xét về sức mua tương đương thì kinh tế Nga đứng đầu ở châu Âu và thứ 5 trên thế giới" - Đài RT dẫn phát biểu của Tổng thống Putin cho hay.
PPP là một thước đo phổ biến với nhiều nhà kinh tế để so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ.
Cũng theo người đứng đầu Điện Kremlin, nền kinh tế Nga đã thể hiện sự ổn định, không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đối mặt nguy cơ suy thoái. “Các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Mỹ và EU là tốt, họ từng phát triển nhưng hiện tại thì không. Trong khi đó, kinh tế Nga đang phục hồi mạnh mẽ" - Tổng thống Putin cho hay
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022, Trung Quốc đã vượt Mỹ về PPP, trong khi Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt đứng thứ ba và thứ tư. Nga lọt vào top 5, trong khi Đức đứng ở vị trí thứ sáu. Trong khi đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Putin, Maksim Oreshkin, gần đây cho biết rằng Nga “đang dần vượt Nhật Bản trong cuộc đua giành vị trí thứ tư”.
Cùng ngày, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng khẳng định, nền kinh tế nước này vượt trội so với các nước phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng liên chính phủ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) ở thành phố Almaty, Kazakhstan hôm 2/2, Thủ tướng Mishustin cho biết, kinh tế Nga thậm chí tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng khi có thể đạt mức 4% trong năm 2023, vượt xa các nước châu Âu và vượt mức trung bình toàn cầu.
Theo Thủ tướng Mishustin, tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2023 có thể đạt 3,5% hoặc thậm chí 4%, bất chấp áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Mức tăng trưởng GDP dự kiến do Thủ tướng Nga công bố cao hơn dự báo tăng khoảng 2,7% của Ngân hàng trung ương Nga đưa ra vào tháng 1.
Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga, dự đoán GDP nước này sẽ tăng 2,6% trong năm nay. Ước tính này tăng mạnh so với dự báo tháng 10 là tăng trưởng 1,1%. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2025 đạt mức 1,1%, tăng 0,1% so với ước tính hồi tháng 10/2023.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định với tờ Financial Times: “Chắc chắn là nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn những gì chúng tôi và nhiều người khác mong đợi”.
Bộ Kinh tế Nga dự báo GDP của nước này sẽ tăng 2,3% trong năm nay, sau mức tăng trưởng 3,5% vào năm 2023, theo số liệu sơ bộ.
Hàng loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã có tác động hạn chế đến nền kinh tế nước này. Nhóm các quốc gia giàu có G7 đã áp đặt mức trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, điều này cũng hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm quan trọng.
Tuy nhiên, Nga đã tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt này bằng cách bán dầu chiết khấu cao cho Ấn Độ và Trung Quốc, hiện chiếm khoảng 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga.
Theo tờ Financial Times, Moscow thu được 14,4 tỷ USD từ việc bán dầu ra nước ngoài trong tháng 12 năm ngoái. Một phần lớn giao dịch này được hỗ trợ bởi cái gọi là “tàu chở dầu ma”, che giấu thông tin chi tiết về quyền sở hữu và đăng ký.
EU hiện đang nghiên cứu kế hoạch cấm bán tàu chở dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ để ngăn chặn Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây.