Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/12 tuyên bố, không còn thời gian trong năm nay để ký một thỏa thuận vận chuyển khí đốt mới với Ukraine.
Ông Putin nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn truyền thông Nga hôm 26/12: "Không thể ký thỏa thuận trung chuyển khí đốt mới với Ukraine trong vòng từ 3-4 ngày trước năm mới".
Hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev, vốn đảm bảo vận chuyển năng lượng qua đường ống trên lãnh thổ Ukraine sang EU, sẽ hết hạn vào ngày 31/12.
Giới chức Kiev đã nhiều lần cảnh báo rằng, họ không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận này, bất chấp lời kêu gọi từ một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Theo Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal, việc vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này sẽ bị dừng lại vào ngày 1/1/2025.
Tổng thống Putin cho biết, các nước EU vẫn có thể nhận được nguồn cung khí đốt Nga trong năm 2025 thông qua việc ký kết các hợp đồng với bên trung gian như các công ty năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Slovakia, Azerbaijan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng quá trình điều chỉnh thủ tục rất phức tạp và kéo dài.
Theo đài RT, người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng Ukraine đang trừng phạt EU bằng cách từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt từ Nga sang khối này.
Ông Putin cảnh báo rằng, quyết định của Kiev sẽ dẫn đến hệ quả là người tiêu dùng châu Âu phải mua năng lượng với giá cao hơn.
Phát biểu với các nhà báo hôm 26/12, Tổng thống Nga cảnh báo, giá khí đốt châu Âu đã nhảy vọt lên 500 USD/1.000 mét khối và sẽ tiếp tục tăng khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine hết hạn vào cuối năm nay.
Đồng thời, ông Putin nhấn mạnh rằng Nga luôn ủng hộ “phi chính trị hóa các vấn đề kinh tế” và không can thiệp vào việc cung cấp khí đốt cho EU.
Trước đó, trả lời phỏng vấn với kênh Rossiya 24 hôm 25/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng tuyên bố, việc quyết định tương lai vận chuyển khí đốt phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa chính quyền Kiev và EU. Ông nhấn mạnh: "Về phía chúng tôi, Nga luôn khẳng định sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt, không chỉ bằng tuyến đường hiện tại qua Ukraine".
Phó Thủ tướng Novak lưu ý thêm rằng tình hình dự trữ khí đốt ở châu Âu đang căng thẳng mặc dù vẫn nhận được nguồn cung năng lượng từ Nga.
Thỏa thuận trung chuyển kéo dài 5 năm giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và Công ty năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz được ký kết vào năm 2019. Thỏa thuận này quy định Gazprom trung chuyển 65 tỷ mét khối (bcm) khí đốt qua Ukraine vào năm 2020 và 40 bcm mỗi năm trong giai đoạn 2021-2024.
Gazprom, từng là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU, đã giảm mạnh lượng xuất khẩu năng lượng sang khối này vào năm 2022, sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga và vụ phá hoại các đường ống Nord Stream.
Theo dữ liệu mới nhất, EU hiện vẫn tiếp nhận khoảng 5% lượng khí đốt của họ từ Nga qua Ukraine. Mạng lưới trung chuyển của Ukraine kết nối với hệ thống đường ống của Moldova, Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia.
Hồi đầu tháng này, Công ty năng lượng SPP của Slovakia cùng với các nhà điều hành năng lượng từ Áo, Hungary và Italia đã ký một tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga, khẳng định đây là “giải pháp tốt nhất không chỉ cho người tiêu dùng khí đốt ở châu Âu mà còn cho chính Ukraine”.
EU đã thông báo kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022. Theo RT, nguồn cung nhiên liệu với mức giá cao hơn từ Mỹ đã thay thế phần lớn lượng khí đốt đường ống giá rẻ trước đây được Nga cung cấp.