Tờ Aljazeera.com ngày 20/5 cho biết, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Mohammad Mokhber sẽ trở thành tổng thống lâm thời sau khi ông Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ tai nạn máy bay trước đó 1 ngày.
Sinh ngày 1/9/1955, ông Mokhber được coi là người thân cận với Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ông Mokhber trở thành Phó Tổng thống thứ nhất vào năm 2021, khi ông Raisi được bầu làm tổng thống.
Theo Hiến pháp Iran, trong trường hợp tổng thống qua đời hoặc mất năng lực, phó tổng thống thứ nhất sẽ tiếp quản cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức trong thời gian tối đa là 50 ngày.
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) trưa 20/5 thông báo Tổng thống Iran Ebrahim Raisi; Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và những người có mặt cùng hai ông trên chiếc máy bay gặp tai nạn trước đó một ngày ở vùng núi phía Tây Bắc nước này, đều đã qua đời.
Trước đó cùng ngày, ông Pir-Hossein Koulivand, người đứng đầu Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran (IRCS) cho biết, các nhóm cứu hộ đã tìm thấy mảnh vỡ chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi sau nhiều giờ tìm kiếm tích cực ở khu rừng Dizmar thuộc địa phận tỉnh Đông Azerbaijan.
Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan của Iran Malek Rahhmati và giáo sĩ Tabriz Hojjatoleslam Al Hashem được thông báo mất tích từ ngày 19/5 sau khi các quan chức dự lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở biên giới Iran-Azerbaijan.
Paul Beaver, một chuyên gia hàng không và cựu phi công trực thăng, cho rằng mây che phủ và sương mù là những lý do dẫn đến vụ tai nạn của máy bay trực thăng chở Tổng thống Iran.
Máy bay gặp nạn là trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất. Chiếc trực thăng đặc biệt này được thiết kế chở 15 người, bao gồm cả một phi công.
Theo Tổ chức An toàn Chuyến bay, vụ tai nạn gần nhất với dòng máy bay trực thăng Bell 212 là vào tháng 9/2023, khi một chiếc máy bay do tư nhân điều hành bị rơi ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Chính phủ Iran ngày 20/5 cũng đã triệu tập một "cuộc họp khẩn cấp" sau khi Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Amir-Abdollahian được xác nhận nằm trong số những người thiệt mạng vì một vụ tai nạn máy bay trực thăng.
Là người có uy tín lớn, với mối quan hệ sâu sắc trong giới tinh hoa tư pháp và tôn giáo, Ebramhim Raisi – một chính trị gia theo đường lối cứng rắn và bảo thủ về tôn giáo – lần đầu tiên tranh cử tổng thống vào năm 2017 nhưng thất bại. Cuối cùng ông đắc cử tổng thống vào năm 2021.
Nhà lãnh đạo chính trị 63 tuổi này từ lâu đã được coi là người kế nhiệm rõ ràng của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có thẩm quyền cao nhất ở Iran.
Trong 3 năm cầm quyền, Tổng thống Raisi được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa của Iran tại khu vực Trung Đông.
Trong thời gian gần đây, ông Raisi lãnh đạo Iran vượt qua bế tắc với Israel khi hai nước lâm vào cuộc khủng hoảng tấn công trả đũa liên quan đến cuộc không kích nhằm vào Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria.
Iran vốn thẳng thắn lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào dân thường Palestine ở Dải Gaza, và các đồng minh phương Tây của nước này. Đầu tháng 4 vừa qua, tòa nhà lãnh sự bên trong đại sứ quán Iran ở Damascus đã bị tấn công trong một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có một tướng chỉ huy cấp cao và phó của ông ta.
Trong gần hai tuần sau đó, các phát ngôn của Tổng thống Raisi đều là chủ đề được theo dõi chặt chẽ khi thế giới chờ đợi phản ứng của Tehran. Vào ngày 15/4, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công có sự tham gia của hơn 120 tên lửa đạn đạo, 170 máy bay không người lái và hơn 30 tên lửa hành trình, nhưng hầu hết đều bị đánh chặn bên ngoài biên giới Israel. Cuộc tấn công này đã dẫn đến một phản ứng mang tính biểu tượng của Israel, tháo ngòi một cuộc chiến lan rộng trong khu vực.
Sau khi nhận tin Tổng thống Raisi đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã đăng bài viết tưởng nhớ Tổng thống Raisi.
Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông “rất buồn và sốc trước cái chết bi thảm” của Tổng thống Iran. Ông Modi khẳng định: “Ấn Độ đoàn kết với Iran trong thời khắc đau buồn này”
Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudan, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif; Quốc vương Qatar, Emir Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, và lãnh đạo Hamas cũng gửi lời chia buồn đến Chính phủ và người dân Iran.