Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Ukraine kêu gọi châu Âu tăng tốc viện trợ vũ khí

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức cho thấy EU và các nước thành viên đã viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị hơn 11 tỷ USD.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước châu Âu tăng tốc viện trợ các hệ thống phòng không và tăng thiết giáp nhằm giúp Ukraine đối phó với các cuộc tập kích của Nga, trong bối cảnh chiến sự ở miền Đông diễn ra khốc liệt.

"Bakhmut là điểm nóng nhất trên toàn bộ chiến tuyến - hơn 1.300km chiến sự đang diễn ra. Kể từ tháng 5, đối phương đã cố gắng phá vỡ phòng tuyến Bakhmut của chúng tôi, nhưng thời gian trôi qua và Bakhmut không chỉ gây tổn thất cho quân đội Nga mà còn cả lính đánh thuê," ông Zelensky nói trong bài phát biểu ghi hình gửi đến lãnh đạo các nước tham gia cuộc họp Lực lượng Viễn chinh Hiệp đồng (JEF) diễn ra tại Latvia vào tối 19/12.

"Rất nhiều thứ phụ thuộc vào các vị để quyết định cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào. Lực lượng phòng vệ của chúng tôi càng thành công, chiến dịch của Nga càng nhanh chóng thất bại," Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.

Tổng thống Volodymyr Zelensky họp trực tuyến với Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những người tham gia cuộc họp Lực lượng Viễn chinh Hiệp đồng (JEF) diễn ra tại Latvia hôm 19/12. Ảnh: Reuters
Tổng thống Volodymyr Zelensky họp trực tuyến với Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những người tham gia cuộc họp Lực lượng Viễn chinh Hiệp đồng (JEF) diễn ra tại Latvia hôm 19/12. Ảnh: Reuters

Ông Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi Thủ tướng Anh Rishi Sunak "tăng khả năng cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine và giúp hối thúc các đối tác ra các quyết định liên quan".

Ông Zelensky cho biết Ukraine cần các loại xe thiết giáp, chủ yếu là xe tăng, để bảo đảm các chiến dịch thành công.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đề nghị Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Latvia và Estonia cung cấp thêm các tên lửa phòng không, tiêm kích, lựu pháo và đạn dược. "Chúng tôi khôi phục kiểm soát biên giới càng sớm, an ninh của các vị sẽ càng được củng cố," ông nhấn mạnh.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói rằng các lãnh đạo JEF không có đủ thời gian để thảo luận về những đề xuất của ông Zelensky, dù Thủ tướng Sunak trước đó khẳng định cuộc họp sẽ tập trung vào "những biện pháp tốt nhất để tiếp tục hỗ trợ Ukraine".

JEF là lực lượng phản ứng nhanh do Anh dẫn đầu gồm các thành viên Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển. Lực lượng này có thể triển khai nhanh chóng để ứng phó với các cuộc khủng hoảng ở Bắc Âu.

Thống kê của Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức cho thấy EU và các nước thành viên đã viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị hơn 11 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ là bên hỗ trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine với 22,8 tỷ USD, còn Anh và Canada đóng góp 5,5 tỷ USD.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp ở thủ đô Kiev của Ukraine hôm 13/12. Ảnh: Reuters  
Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp ở thủ đô Kiev của Ukraine hôm 13/12. Ảnh: Reuters  

Trước đó, hôm 11/12, quan chức cấp cao EU nói rằng nhiều quốc gia đang cạn kiệt vũ khí vì viện trợ Ukraine, gọi đây là hồi chuông cảnh tỉnh với cả khối.

"Chiến sự Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh về năng lực quân sự các nước. Chúng ta đã viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng điều đó khiến kho dự trữ khí tài của nhiều nước trong khối bị cạn kiệt", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU, cho biết trong bài đăng trên trang chủ Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS).

"Tôi từng đề cao tầm quan trọng của nỗ lực hỗ trợ Ukraine về mặt chính trị, kinh tế và quân sự, trong đó có cung cấp vũ khí và huấn luyện. Chúng ta cần duy trì điều này cho đến khi họ chiến thắng", ông Borrell cũng nói thêm.

Ngoài cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, EU còn áp loạt lệnh trừng phạt lên Nga vì mở chiến dịch quân sự, đặc biệt nhằm vào lĩnh vực năng lượng. Moskva nhiều lần cảnh báo sự can thiệp từ bên ngoài chỉ khiến xung đột ở Ukraine tiếp tục leo thang.

Ngày 19/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc chính sách của Mỹ là nguyên nhân đẩy nước này đến bờ vực xung đột trực tiếp với Moskva.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại Moskva hôm 14/1. Ảnh: Reuters  
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại Moskva hôm 14/1. Ảnh: Reuters  

"Đây là chính sách nguy hiểm và thiển cận, đặt Mỹ và Nga tới bờ vực xung đột trực tiếp. Về phần mình, Moskva kêu gọi chính quyền ông Joe Biden đánh giá tình hình sáng suốt và không để leo thang nguy cơ. Chúng tôi hy vọng rằng phía Washington sẽ lắng nghe chúng tôi, dù tới giờ vẫn không thấy dấu hiệu lạc quan về điều này", Zakharova nói.

Bà nhấn mạnh thêm rằng Moskva đã "thực sự nỗ lực" để khiến quan hệ với Washington ổn định và có thể lường trước được, ngay cả khi phía Mỹ gây căng thẳng.

"Mong muốn duy trì bá quyền bằng mọi giá cũng như sự cao ngạo không sẵn sàng tham gia đối thoại nghiêm túc về đảm bảo an ninh của Mỹ đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói.

Phát biểu của bà Zakharova nhằm đáp trả tuyên bố tuần trước của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price rằng Nga là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước trở nên "bất ổn và khó lường".

Trong gần 10 tháng diễn ra xung đột Ukraine, Mỹ đã dẫn dắt đồng minh xây dựng một chiến lược trừng phạt toàn diện, gây tổn hại lớn với kinh tế Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ Kiev, bất chấp cảnh báo từ Moskva rằng điều này sẽ khiến căng thẳng leo thang.