Tổng tuyển cử tại Hy Lạp: EU chờ đợi trong âu lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Thủ đô Athens, Hy Lạp ngày 25 /1. Ảnh: REUTERS

Sáng sớm 25/1, trên khắp lãnh thổ Hy Lạp, hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng trước các điểm bỏ phiếu để bầu 300 nghị sĩ Quốc hội. Trong khi những lá phiếu của cử tri Hy Lạp mang theo kỳ vọng sẽ tìm được đội ngũ lãnh đạo mới có khả năng chèo lái đất nước vượt qua khó khăn, thì giới chức châu Âu lại phập phồng lo sợ về một cơn địa chấn chính trị có thể khởi phát từ Athens.

 
Người dân bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Thủ đô Athens, Hy Lạp ngày 25 /1.      Ảnh: REUTERS
Kinhtedothi - Người dân bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Thủ đô Athens, Hy Lạp ngày 25 /1. Ảnh: REUTERS
 Gần 7 năm sau cuộc khủng hoảng nợ công 2008 bùng phát, Hy Lạp vẫn đang ngập lụt trong nợ nần đã chiếm tới 175% GDP và sức đề kháng của nền kinh tế ngày càng suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% trong khi các tác động từ tăng thuế, giảm lương, cắt phúc lợi xã hội, chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc… là những yếu tố khiến sự bất mãn của người dân với Chính phủ tăng cao. Mâu thuẫn đảng phái trầm trọng chưa từng thấy khiến Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras 3 lần thất bại trong nỗ lực trở thành Tổng thống và buộc phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã sụt giảm tới 25%, đảng Syriza đối lập đã thu hút sự ủng hộ của cử tri bằng cương lĩnh tranh cử nhấn mạnh sẽ chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng. Nếu Syriza giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này như kết quả của các cuộc thăm dò dư luận trước đây, các chủ nợ quốc tế sẽ phải đối mặt với sự “tháo chạy” của Athens khỏi các khoản nợ đã lên tới 240 tỷ Euro. Nhiều người Hy Lạp đã chua chát cho rằng, cuộc bầu cử này sẽ là ngày phán xét phương thức xử lý khủng hoảng tài chính của Eurozone. Điều đáng nói là kỳ vọng được giải thoát khỏi cuộc thí nghiệm mang tên thắt lưng buộc bụng của người Hy Lạp được cho là sẽ khiến Athens từ bỏ tư cách thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tác động mạnh đến sự ổn định của Lục địa già.

Sự bất ổn tại Hy Lạp cũng để ngỏ khả năng tràn vào nước này của các thành phần khủng bố và gia tăng nguy cơ an ninh với toàn châu Âu. Tình hình thực tế tại Athens trong những ngày qua cho thấy lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi những người phản đối chính phủ bất chấp sự hiện diện của cảnh sát đã ném bom xăng vào trụ sở của các cơ quan công quyền. Quang cảnh nhếch nhác của những lều trại do các nhân viên của Bộ Tài chính bị sa thải trước trụ sở bộ cho thấy một sự hỗn loạn thực sự trong nội bộ Hy Lạp.

Những biến cố chính trị tại Hy Lạp trong suốt 7 năm qua phản ánh vấn đề nội tại không chỉ của một quốc gia “vùng trũng” mà còn của cả Eurozone. Một tập hợp của các nền kinh tế không cùng trình độ phát triển, một liên minh của quá nhiều đảng phái không có chung tiếng nói… đã khiến các chính sách của khu vực trở nên kém hiệu quả nếu không muốn nói là phá hủy sự ổn định của khối ngay từ bên trong. Vì thế dù đảng nào lên nắm quyền tại Hy Lạp sau cuộc bầu cử sắp tới, biến động tại Athens là không thể tránh khỏi. Quy mô và tác động của các biến cố chính trị này đến Eurozone ra sao sẽ phụ thuộc nhiều vào phương thức xử lý của các nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực. Nếu không gấp rút hành động, cơn địa chấn chính trị tại Hy Lạp sẽ nhanh chóng lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha – những quốc gia đang trở nên mệt mỏi bởi yêu sách từ chủ nợ để đổi lấy các khoản cứu trợ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần