TP Hồ Chí Minh: 48 năm cùng cả nước, vì cả nước

Bài, ảnh: Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, TP Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, cũng như tiên phong, năng động, đi đầu trong công cuộc tái thiết, đổi mới, cùng cả nước chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Bứt phá từ nền kinh tế “chạy ăn từng bữa”

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để người dân TP Hồ Chí Minh dựng xây và phát triển “TP mang tên Bác” theo định hướng mà Đảng đã hoạch định: “TP Hồ Chí Minh là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước”.

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế to lớn của mình trong sự nghiệp chung: “Tất cả cùng cả nước, vì cả nước".
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh có đủ thế và lực để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế to lớn của mình trong sự nghiệp chung: “Tất cả cùng cả nước, vì cả nước".

Tuy nhiên, trong hành trình 48 năm (30/4/1975 – 30/4/2023), TP Hồ Chí Minh cũng đã từng điêu đứng vì nạn đói, nạn thất nghiệp, thiên tai dồn dập, cộng với cơ chế nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp càng làm cho người dân TP thêm khốn khó, sản xuất, kinh doanh đình đốn, gạo và thực phẩm thiếu hụt. Mặc dù nằm trên vựa lúa Nam Bộ, TP phải “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu dân, với những bữa cơm độn không có gì ngoài bo bo, bột mì, khoai sắn…

Nhìn nhận một cách công bằng, quá khứ để lại cho TP những hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ từ bên ngoài nên yếu kém, què quặt. Hơn 700.000ha đất nằm trong vùng vành đai trắng bị hoang hóa.

Đỉnh điểm của sự khủng hoảng về kinh tế và đời sống tại TP Hồ Chí Minh đã thể hiện tập trung trong những năm 1979 – 1980, kéo theo hệ lụy của sự khủng hoảng lòng tin trong quần chúng. Sự liên tục leo thang lạm phát với những con số phi mã đã làm phát sinh hiện tượng thợ thuyền rời nhà máy, công nhân viên chức bỏ cơ quan và làn sóng “thuyền nhân” đi vượt biên, di tản.

Trước thực tiễn đó, lãnh đạo TP đã đưa ra quyết định táo bạo là "xé rào", tháo gỡ cho sản xuất, lưu thông bằng kế hoạch B, C... Từ đó, ánh sáng "đổi mới tư duy" lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, chuyển thành quan điểm tư tưởng trong đường lối chiến lược phát triển kinh tế của TP. Chính trong thời điểm này, tại TP Hồ Chí Minh, lịch sử đã chứng kiến sự liên tiếp xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến như: Công ty Bột giặt miền Nam (VISO), Xí nghiệp thuốc lá, Nhà máy bia Sài Gòn, xí nghiệp Cầu Tre, các Xí nghiệp dệt Thành Công, Phong Phú…

Qua các phong trào thi đua sôi nổi, đã có hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, 60 đơn vị kinh tế được Hội đồng Nhà nước tặng huân chương, 90 đơn vị được Hội đồng Bộ trưởng cấp Bằng khen. Hàng nghìn tổ dân phố, tổ Nhân dân tiên tiến cấp TP cũng đã xuất hiện trong khoảng thời gian này.

Đến năm 1991, từ đề xuất của TP, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận, từ đó, ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước.

Đến năm 1992, Khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời. Năm 1993, Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán TP, xây dựng thị trường vốn; và đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán TP - Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.

Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình Hội chợ triển lãm thành Công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm TP và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.

Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TP đã góp phần quan trọng cùng T.Ư chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó từng bước xây dựng thành công hình hài một TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, cùng cả nước tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vị thế đầu tàu của cả nước

Nếu như trước đây, Sài Gòn được ví là “hòn ngọc của Viễn Đông”, thì sau này vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. TP Hồ Chí Minh không chỉ là đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế, mà còn là đầu tàu kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong hành trình 48 năm qua, từ một TP bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh đã vươn lên giữ vị thế trung tâm lớn về kinh tế, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một TP nghĩa tình – TP "vì cả nước, cùng cả nước".

TP Hồ Chí Minh là một trong số ít đô thị của các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài, ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong các động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều khó khăn, thách thức khi là địa phương chịu tổn thất nặng nề nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, TP bị tăng trưởng âm 6,78%. Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điều vô cùng ý nghĩa là TP vẫn gìn giữ được những giá trị nền tảng, những điểm sáng quý báu.

Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021 ước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán năm. TP Hồ Chí Minh cũng có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của T.Ư khi thông qua tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP năm 2022 là 21% (tăng 3% so với tỷ lệ của 5 năm trước đó).

Khi dịch được kiểm soát, kinh tế TP phục hồi nhanh và ấn tượng ngay từ những tháng đầu năm 2022. Theo đó, GRDP quý I/2022 đã tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021 và xuyên suốt 8 tháng qua, các lĩnh vực kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng. Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỷ đồng (đạt 80,69% dự toán năm).

Chính từ tầm nhìn rồi đề ra những giải pháp đem lại hiệu quả cao của lãnh đạo TP cũng như sự đồng thuận của người dân và DN đã giúp kinh tế TP phục hồi ấn tượng như trên.

Thành tựu 48 năm qua và những trăn trở để phát triển trong tương lai của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của các bộ, ngành.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, TP cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức cần phải có quyết tâm cao để vượt qua trên con đường phát triển nhanh, bền vững. Đó là quy hoạch và quản lý đô thị chưa xứng tầm với TP văn minh, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.

Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; tiềm năng khoa học và công nghệ chưa được phát huy đúng mức. Các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn biến phức tạp; việc xây dựng hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chưa tiến hành đồng bộ với việc cải cách bộ máy hành chính, chống tiêu cực và tham nhũng…

Những điều này đang đe dọa đến vị trí vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với khu vực phía Nam cũng như vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước. Vì thế, nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững vị trí vai trò là trung tâm kinh tế lớn cả nước đang là yêu cầu đặt ra đối với TP.

Hơn thế, sự phục hồi tăng trưởng không phải trên nguyên trạng, mà phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây chính là thách thức đối với TP không chỉ trong năm 2023 này, mà với cả sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững vị trí vai trò là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang là yêu cầu đặt ra trước mắt và lâu dài đối với TP. Song, tin rằng, tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, với những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 48 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân TP Hồ Chí Minh với quyết tâm “vì cả nước, cùng cả nước”, đi trước và về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của đất nước, xứng đáng là TP mang tên Bác Hồ kính yêu.

 

"Bước vào những ngày tháng 4 lịch sử năm nay, cũng như Nhân dân cả nước, Nhân dân TP Hồ Chí Minh kỷ niệm những ngày lễ lớn với sự tin tưởng sâu sắc về tương lai phát triển của TP và đất nước sau đại dịch Covid-19. Tiếp tục xây dựng TP Hồ Chí Minh thành nơi đáng sống, là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước." - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần