Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được người Pháp xây dựng và khánh thành vào năm 1902. Ảnh tư liệu |
Lịch sử cây cầu
Theo Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh, cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và của ngành đường sắt Việt Nam.
Cầu đường sắt Bình Lợi là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn. Cầu Bình Lợi được hãng thầu Levalllois Perret (Pháp) thi công xây dựng, dài 276m gồm 6 nhịp, lòng cầu lót ván gỗ dày. Mỗi khi xe lửa qua cầu, xe cơ giới đều bị chặn lại ở hai đầu cầu. Khi được lưu thông, một bên dừng một bên chạy. Cầu có đường hành lang cho khách bộ hành.
Ðặc biệt, cầu xe lửa này có một nhịp dầm quay bằng hệ thống bánh răng đưa dầm cầu thẳng lên 90 độ. Nhịp quay nằm ở phía Thủ Ðức do lòng sông sâu để tàu bè chở hàng có thể qua lại.
Từ năm 1960 về trước cầu đường sắt Bình Lợi cũ là cửa ngõ duy nhất bằng đường bộ nối liền Sài Gòn với vùng Thủ Đức, Biên Hòa... Ảnh: Internet |
Những bậc cao niên sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 1960 trở về trước, từ Sài Gòn đi về hướng Thủ Đức, Biên Hòa... đều phải đi qua cầu sắt Bình Lợi.
Từ sau năm 1961, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa thông xe nên qua ngả cầu Sài Gòn. Đến đầu thập niên 1970 có thể đi Thủ Đức qua ngả cầu Bình Triệu qua ngả Hàng Xanh.
Như vậy, trước khi có cầu Sài Gòn và cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi làm nhiệm vụ kết nối với Thủ Đức, Bình Dương trù phú và miền Trung của đất nước trong suốt 60 năm của lịch sử phát triển Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
Tháo dỡ hay bảo tồn
Trước sự xuống cấp của cây cầu, cũng như đảm bảo an toàn giao thông đường thủy qua sông Sài Gòn. Năm 2015, trong dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu sắt Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh) đến cảng Bến Súc (Bình Dương) theo hình thức BOT, được Bộ GTVT phê duyệt xây dựng một cây cầu xe lửa mới.
Theo hồ sơ thiết kế, cầu xe lửa mới có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho khổ đường 1,435m, cho phép xe lửa chạy với vận tốc 100km/h. Đến nay dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động.
Cầu đường sắt Bình Lợi cũ sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 117 năm hoạt động. Ảnh: Huy Chương |
Theo thông tin từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, sau khi cầu đường sắt Bình lợi mới đi vào hoạt động, cầu đường sắt Bình Lợi cũ sẽ được tháo dỡ kết thúc sứ mệnh sau 117 năm.
Tuy nhiên, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng, cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định và của ngành đường sắt Việt Nam.
Do vậy, việc bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức) và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) là cần thiết.
Việc giữ lại một phần nguyên trạng cầu cũng nhằm lưu giữ dấu tích cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch trên địa bàn TP.
Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao đề nghị cho phép Bảo tàng TP Hồ Chí Minh khảo sát, sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị để lưu trữ tư liệu, hình ảnh phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Cầu đường sắt Bình lợi cũ nên tháo dỡ hay bảo tồn, khi đã có cầu đường sắt Bình Lợi mới sắp đi vào hoạt động? Ảnh: Huy Chương |
Trước những thông tin về việc tháo dỡ hay bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ thì người dân TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Phạm Văn Tuyên ngụ tại quận Bình Thanh cho rằng: “Không thể giữ cầu sắt cũ lại được vì độ tĩnh không quá thấp nên cản trở lưu thông đường thủy, hiện tại cảnh quan nơi này đang có 2 cầu đường bộ, nếu giữ lại cầu sắt cũ và cộng thêm cầu sắt mới sẽ làm chật hẹp cảnh quan chung khu vực”.
Còn bà Nguyễn Thị Hậu lại cho rằng: TP Hồ Chí Minh là TP được xây dựng những phương tiện giao thông cơ giới khá sớm, trong đó có đường sắt và cầu xe lửa như cầu Bình Lợi. Ngày nay, do nhu cầu phát triển nên xây dựng cầu hiện đại hơn là hợp lý. Tuy nhiên, cần bảo tồn cầu Bình Lợi cũ, trùng tu sửa chữa để giữ thêm một di tích công nghiệp cho TP, đồng thời có thể trở thành điểm tham quan du lịch.
"Mong rằng cơ quan hữu quan xem xét, tránh việc phá bỏ thêm một cây cầu cổ. Di tích của TP Hồ Chí Minh đã mất quá nhiều rồi, mai này còn gì nữa", bà Hậu nhấn mạnh thêm.