TP Hồ Chí Minh chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 970.000 trẻ em

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và một số vấn đề đời sống.

Duy trì 2 hình thức học

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay ngành giáo dục Thành phố cố gắng duy trì 2 hình thức học, trực tiếp và trực tuyến để làm sao đạt chất lượng tốt nhất.

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác chính trị thông tin tại họp báo
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác chính trị thông tin tại họp báo

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, vào ngày 2/3 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn 625 điều chỉnh một số nội dung của công văn 548 ngày 22/2. Công văn 625 điều chỉnh: “Trạm y tế hoặc cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục (CSGD) test nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn) cho những trường hợp học sinh và giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 (nếu có) của lớp có F0”.

Công văn 625 cũng để phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh cho học sinh là F1 tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều vaccine; Thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm (qua email/zalo/viber/tin nhắn...).

Trường hợp phụ huynh không có điều kiện thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà, có thể đưa học sinh đến trạm y tế để nhân viên y tế thực hiện; Phụ huynh hoặc nhân viên trạm y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm theo cách thức như trên. Kết quả xét nghiệm âm tính gửi đến giáo viên chủ nhiệm được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học. 

Về việc theo dõi sức khỏe của các học sinh cùng lớp có F0, các CSGD phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh...) để theo dõi sát sức khỏe trong vòng 10 ngày.

TP đang theo dõi sát tình hình dịch Covid-19

Tại họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế trả lời nhiều nội dung, như: Việc mua bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc tây ở TP Hồ Chí Minh? Số ca mắc mới mỗi ngày càng tăng, Thành phố đã dự đoán khi nào đạt đỉnh dịch? Khi nào mở chiến dịch tiêm chủng cho người thuộc nhóm có nguy cơ? Hướng dẫn xử lý với trẻ mắc Covid-19? Hưởng chế độ chăm sóc đối với người mắc Covid-19?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ người có nguy cơ, bệnh nền, người trên 65 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ người có nguy cơ, bệnh nền, người trên 65 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các sở y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra nhà thuốc bán thuốc không rõ nguồn gốc; Kiểm tra giá thuốc, hành vi găm hàng và hướng dẫn, tập huấn cho nhân viên nhà thuốc tây trong việc bán thuốc Molnupiravir.

Đối với việc Thành phố liên tục tăng ca mắc Covid-19, Sở Y tế vẫn đang phối hợp với các sở, ban ngành theo dõi sát tình hình. Sở đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các phường/xã/thị trấn phải thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch tại địa phương, khắc phục ngay những điểm yếu ở cơ sở.

Bên cạnh đó Thành phố tiếp tục mở chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ, bệnh nền, người trên 65 tuổi từ nay đến hết ngày 31/3, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm hạn chế ca mắc mới trong cộng đồng. Ngoài ra Thành phố còn thực hiện chiến dịch hạn chế lây lan từ trẻ mắc mới sang người có nguy cơ. "Theo nội dung này chúng ta sẽ có phiếu hướng dẫn chăm sóc trẻ dưới 12 tuổi mắc Covid-19", Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin.

Về chế độ chăm sóc đối với người mắc Covid-19, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai đây là đối tượng được điều trị và cung cấp thuốc miễn phí. Do đó, người mắc Covid-19 yên tâm đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị hoặc điều trị tại nhà. Sau thời gian hết bệnh chính quyền địa phương sẽ cấp quyết định hoàn thành thời gian cách ly, sau đó người bệnh sẽ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

Ngày 30/4 dự kiến khánh thành cầu Thủ Thiêm 2

Về một số dự án giao thông tại TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) chia sẻ: “Đối với cầu Thủ Thiêm 2, dự kiến khánh thành vào dịp 30/4. Sở đang phối hợp với chủ đầu tư đốc thúc các nhà thầu khẩn trương hoàn thành những hạng mục còn lại. Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 3.100 tỷ đồng, dài hơn 1,4km với 6 làn xe, khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng vì vướng giải tỏa nên chậm tiến độ gần 4 năm''.

Ông Bùi Hòa An thông tin về dự án cầu Thủ Thiêm 2 và tuyến xe buýt điện D4.
Ông Bùi Hòa An thông tin về dự án cầu Thủ Thiêm 2 và tuyến xe buýt điện D4.

Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những công trình trọng điểm bắc qua sông Sài Gòn, kết nối trung tâm Thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), giúp giảm lưu lượng giao thông nhiều tuyến đường xung quanh.

Cũng vào dịp 30/4, tuyến xe buýt điện D4 dài 29km, chạy từ Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức) đến bến xe buýt Sài Gòn (quận 1), sẽ được đưa vào hoạt động. Đối với 4 tuyến xe buýt điện còn lại, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III/2022 và IV/2022, sau khi hệ thống hạ tầng được hoàn chỉnh.

Ngoài ra, trong năm 2022, một số dự án khác dự kiến cũng được đưa vào khai thác, như: Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống và cầu Mỹ Thủy 3; Dự án cầu Bưng mới trên đường Lê Trọng Tấn (nối quận Bình Tân và Tân Phú). Các dự án nêu trên nhằm giải quyết nạn kẹt xe, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái, hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới ở TP Thủ Đức.

 

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc HCDC, cho biết kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19, cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi về cơ bản đã chuẩn bị xong. Dự kiến tiêm cho 970.000 trẻ trên địa bàn Thành phố, gồm: Trẻ đi học do cơ sở giáo dục và địa phương tổ chức tiêm, số này do Sở GD&ĐT cung cấp danh sách; Trẻ không đi học sẽ tiêm ở những điểm cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện bố trí, số này do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê; Trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế sẽ do các bệnh viện tổ chức tiêm.

Về đối tượng, sẽ tổ chức tiêm cho lứa tuổi từ cao xuống thấp, thời gian tiêm hoàn tất trong 10 ngày, đến khi đủ thời gian tiêm mũi 2 thì tiếp tục thực hiện. Do đối tượng trẻ em có một số vấn đề đặc thù nên chiều nay ngành y tế đã tập huấn cho tất cả nhân viên.