Tại buổi họp báo, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, TP có 68 vị trí rào chắn (giảm 5 vị trí so với tháng 9/2023) trên 30 tuyến đường.
Trong đó có một số dự án, công trình trọng điểm như dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình); xây nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức); xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); xây hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); xây tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên…
Về giải pháp chống UTGT, theo ông Bùi Hòa An có 2 nhóm chính: giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.
Đối với nhóm giải pháp công trình, hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thủy 3 thuộc khu vực nút giao Mỹ Thủy; hầm chui trên đường song hành Xa lộ Hà Nội trước Bến xe Miền Đông mới; đường song hành cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức); cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè); cầu Vàm Sát 2 trên đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); hợp long cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án giao thông (xây hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; xây nút giao An Phú; xây đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa…).
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án trọng điểm (mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình; xây dựng cầu vượt thép tại Ngã tư Bốn Xã…).
Đối với nhóm giải pháp phi công trình, hoàn thiện các cơ chế chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị 22-CT/TU ngày 6/2/2023 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn (thay Chỉ thị 11-CT/TU ngày 10/3/2017); tham mưu UBND TP ban hành quyết định 32/2023/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP…
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông linh hoạt, phù hợp thực tế, như: triển khai phương án cấm xe ô tô khách có giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 - 22 giờ; cấm xe sơ-mi rơ-moóc lưu thông trên 10 tuyến đường; tổ chức lưu thông 1 chiều các loại xe trên 3 tuyến đường; tổ chức lưu thông 1 chiều xe ô tô trong giờ cao điểm trên 3 tuyến đường; điều chỉnh tổ chức lưu thông 2 chiều xe ô tô từ 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau trên 17 tuyến đường; điều chỉnh giao thông cục bộ (cấm rẽ trái, cấm quay đầu xe, điều chỉnh làn xe…) tại 12 giao lộ…
Lắp đặt bổ sung dải phân cách tại 8 vị trí tai nạn giao thông trên đường D1, D2 Khu công nghệ cao; lắp đặt dải phân cách di động tại chân cầu vượt Hàng Xanh; tách riêng làn đường xe ô tô và làn đường xe 2 bánh trên cầu vượt Sóng Thần 2; điều chỉnh cấm dừng và đỗ xe trên 21 tuyến đường, đoạn đường; tách riêng pha đèn tín hiệu cho ô tô với pha đèn dành cho xe 2 bánh tại 3 điểm đen tai nạn giao thông (vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao Mỹ Thuận, giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu)…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm. Cụ thể, triển khai thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động để xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng xe ô tô khi xe, người lái xe, chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm; phối hợp với Trường Đại học Bách khoa tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về “Giải pháp thu thập và phân tích dữ liệu lớn trong lĩnh vực GTVT”…
"Kết quả, qua theo dõi 24 điểm nguy cơ UTGT đến tháng 10/2023, Sở GTVT ghi nhận có 3 điểm chuyển biến tốt, 13 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến", Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An nói.