TP Hồ Chí Minh đã có 21 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, từ ngày 5 đến 11/9, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết mới (gồm 1.194 ca nội trú và 1.385 ca ngoại trú), giảm 11,9% ca so với trung bình 4 tuần trước (2.928 ca), số ca nội trú giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%.

Trong đó, 17/22 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết giảm so với trung bình 4 tuần trước và 5/22 quận, huyện có số mắc trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước.

Số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đến tuần 37 là 54.026 ca (29.801 ca nội trú và 24.225 ca ngoại trú), tăng 536,7% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BVCC

Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh vừa ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong. Như vậy, số ca sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay tại TP này là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 (4 ca).

Liên quan đến dịch sốt xuất huyết, trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) nhận định, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống tại các khu vực gần với con người sinh sống. Muỗi vằn đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xa,…). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng.

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết hằng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển.

Vì vậy, ngày từ đầu tháng 7, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai chức năng phản ánh điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên ứng dụng y tế trực tuyến. Sở Y tế và HCDC đã nhận được nhiều phản ảnh của người dân về các điểm nguy cơ có khả năng phát sinh dịch sốt xuất huyết và đã có hình thức xử phạt, xử lý kịp thời. 

Ngoài dịch sốt xuất huyết, hiện ngành y tế TP còn lo ngại "dịch chồng dịch" khi năm học mới đã bắt đầu, trẻ nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại trong khi tỉ lệ tiêm vaccine cho trẻ còn thấp. Chưa kể, nguy cơ dịch sởi chồng lên bệnh hiện hữu là sốt xuất huyết và Covid-19 vì gián đoạn cung ứng vaccine sởi đơn và vaccine DPT.

 

Một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay,… và ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.

Trong trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần