TP Hồ Chí Minh: Giao thông xáo trộn khi đóng dải phân cách gần cầu Sài Gòn

Thiện An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã thông báo trước nhưng việc đóng dải phân cách tim đường Điện Biên Phủ tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vẫn khiến giao thông vẫn bị xáo trộn.

 Đoạn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đi đường Ung Văn Khiêm và Điện Biên Phủ không còn khoảng trống.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, sau 2 ngày thực hiện việc đóng dải phân cách tim đường Điện Biên Phủ, tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương, giao thông qua khu vực vào sáng nay (7/10) bị ùn tắc nghiêm trọng.
Lượng xe di chuyển từ Thủ Đức đi Bình Thạnh quá đông khiến đoạn cầu Bình Triệu 2 ùn ứ nghiêm trọng.
Nhiều người dân không biết việc dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ đã bị đóng nên dừng chờ. Khu vực ngã tư Hàng Xanh kẹt cứng do xe cộ chen chúc vào làn ưu tiên xe quay đầu.
Hàng loạt tuyến đường gần cầu Sài Gòn như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh đoạn dưới chân cầu Sài Gòn, Điện Biên Phủ từ nút giao Nguyễn Văn Thương đến Hàng Xanh... xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, nhiều đoạn có hàng ngàn phương tiện phải chen chúc nhau, nhích từng tí một.
 Ô tô, xe máy nối dài qua cầu Văn Thánh hướng đi vòng xoay Hàng Xanh.
Theo quan sát, biện pháp này giúp phương tiện đi thẳng theo hướng Xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn vào Điện Điện Phủ để đi trung tâm TP tránh được xung đột ở nút đường Nguyễn Văn Thương. Song, khi thoát nhanh qua khu vực này thì lập tức tạo áp lực, gây dồn ứ tại khu vực gần vòng xoay Hàng Xanh.
 Nhiều người lúng túng khi không nắm được lộ trình thay thế.
Chị Trần Thị Châu Thanh (quận Thủ Đức) cho biết, mặc dù đã nắm được thông tin về đóng dải phân cách tại đây, nhưng do quá bỡ ngỡ nên chị cũng bị bấn loạn không biết chạy hướng nào.
Trong khi đó, ông Trần Quang Nam (quận 2) lại đổ lỗi khi cho rằng cơ quan chức năng lập dải phân cách mà không báo trước, không có nhân viên hướng dẫn nên nhiều người bị lúng túng.
“Đầu tuần xe cộ đông đúc, người thì nắm được thông tin, nhưng cũng có người không nắm được, bản thân tôi chả thấy thông báo nào trước đó cả. Phần ai nấy chạy, loạn hết cả lên, rối rắm không biết phải đi theo hướng nào. Ngày đầu tuần đi làm mà phải chôn chân, ngẹt thở mệt mỏi quá”, anh Nam nói.
Cùng lúc, nhiều tuyến đường ngang kết nối với đường Điện Biên Phủ bị ảnh hưởng.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc thiết lập dải phân cách để phục vụ 2 dự án cạnh nút giao này gồm: Cầu vượt ống cấp nước tại đầu đường Nguyễn Văn Thương và cống thoát nước trên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ cầu Văn Thánh đến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Cơ quan chức năng theo dõi diễn biến giao thông trong 10 ngày để đánh giá phương án tổ chức, nếu không phù hợp sẽ điều chỉnh.
Lực lượng CSGT điều tiết, hướng dẫn giao thông trong và sau khi đóng giải phân cách.
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh nhận định, việc đóng nút giao này để phục vụ thi công 2 dự án là làm cầu vượt ống cấp nước 2000 tại đầu đường Nguyễn Văn Thương (đường D1 cũ) và thi công thoát nước trên đường Điện Biên Phủ.  Bởi trong quá trình thi công dự án, nếu không đóng nút giao này thì giao thông qua khu vực này sẽ hỗn loạn.
Lộ trình thay thế để người dân di chuyển qua khu vực này:
Lộ trình 1: (Đường Điện Biên Phủ, từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đên nút giao Hàng Xanh); đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh - Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương - Ung Văn Khiêm. 
Lộ trình 2: (Đường Điện Biên Phủ, từ nút giao Hàng Xanh); đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh - Giao lộ Ung Văn Khiêm - Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương.
Lộ trình 3: (Đường Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Gia Trí); đường Điện Biên Phủ - nút giao Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - D1 nối dài.
Lộ trình 4: (Đường D1 nối dài); đường D1 nối dài - Điện Điên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh - Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương.
Lộ trình 5: (Đường Nguyễn Văn Thương); Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ - nút giao Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - D1 nối dài - Nguyễn Hữu Cảnh.
Lộ trình 6: (Đường Nguyễn Hữu Cảnh); Nguyễn Hữu Cảnh - Điện Biên Phủ - nút giao Hàng Xanh.
Lộ trình 7: (Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ cầu Kinh Thanh Đa đến giao lộ Ung Văn Khiêm); Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ - nút giao Hàng Xanh.
Lộ trình 8: (Đường Ung Văn Khiêm); Ung Văn Khiêm - Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ - nút giao Hàng Xanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần