TP Hồ Chí Minh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch kiểm tra trên được đưa ra trong bối cảnh liên tiếp các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong 1 tuần qua.

Tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó ít nhất 2 người tử vong. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc rượu.

Trước tình hình trên, ngày 9/8/2022, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn. Dự kiến thời gian từ ngày 15/8 đến hết năm 2022.

TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn từ ngày 15/8 đến hết năm 2022. 
TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn từ ngày 15/8 đến hết năm 2022. 

Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu rượu, bia, đồ uống có cồn; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ.

UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công, cơ sở kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn quy mô nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ... 

Cũng theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các đoàn sẽ tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn, nguyên liệu để sản xuất, chế biến rượu, bia, đồ uống có cồn. Đồng thời, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn.

Về kế hoạch trên, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, sẽ chú trọng kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; các trọng loại nguyên liệu, hóa chất, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm; hồ sơ tự công bố sản phẩm... Ngoài ra, kiểm tra các hồ sơ pháp lý theo yêu cầu.

Trong quá trình thanh kiểm tra, các Đoàn thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm; truy xuất nguồn gốc đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Trước đó, ngày 8/8 trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề tăng cường kiểm tra, xử lý trong sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Không chỉ thời điểm hiện tại mà từ trước đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, có xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt, xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc… Tuy nhiên, thực tế tình trạng này khó kiểm soát, do không ít cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, lén lút bán rượu không đảm bảo chất lượng. Để không bị ngộ độc methanol, chính là phải nâng cao ý thức, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác, không lạm dụng việc uống rượu bia”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm, để tránh tình trạng ngộ độc methanol thì không nên uống rượu bia, các chất kích thích hoặc sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.