Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ sai phạm tại SAGRI

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng nhiều cán bộ sai phạm có liên quan tới hành vi "che giấu tội phạm" xảy ra tại UBND TP Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Viện Kiểm sát) đã truy tố 19 bị can, trong đó có ông Trần Vĩnh Tuyến - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc SAGRI và nhiều cựu lãnh đạo các sở ngành. Các bị can bị cáo buộc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9 cũ) khi chưa đủ điều kiện, căn cứ pháp lý và không thẩm định giá, gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng.

Cùng với việc truy tố các bị can, Viện Kiểm sát cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhiều người liên quan, trong đó có ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp và bà Phan Thị Hồng - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh.

 Trụ sở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Cụ thể, theo cáo trạng, tháng 5/2017, Sở Xây dựng có công văn gửi Sở Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề nghị có ý kiến về việc chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, Chi cục Tài chính doanh nghiệp có công văn gửi Bộ Tài chính hỏi ý kiến về việc này.
Thời điểm đó, ông Đặng Quyết Tiến đang là Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, ký công văn trả lời TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, bà Phan Thị Hồng, khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, đã có hướng dẫn với Sở Xây dựng.
Cả hướng dẫn của Cục và Chi cục đều có nội dung đề nghị phải "tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật khác có liên quan".
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng cả 2 công văn của Cục và Chi cục đều không nêu rõ việc chuyển nhượng dự án nêu trên phải được thẩm định giá và đấu giá theo quy định của pháp luật. Theo cơ quan truy tố, những hướng dẫn này là "chưa cụ thể, mập mờ, không đúng bản chất sự việc, dễ gây ra cách hiểu và thực hiện không đúng quy định của pháp luật" - Viện Kiểm sát nêu.
Cũng theo Viện Kiểm sát, thực tế, sau khi có các hướng dẫn của Cục Tài chính doanh nghiệp và Chi cục Tài chính doanh nghiệp, các bị can trong vụ án đã tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật. Do đó, việc hướng dẫn nêu trên là một phần nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh còn có chức năng giám sát đối với SAGRI bằng hình thức kiểm tra, thanh tra trực tiếp hoặc theo dõi tình hình doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê…
“Tuy nhiên, trong các năm 2017 - 2018, do có các đoàn thanh tra của TP, Kiểm toán Nhà nước nên Chi cục không thực hiện kiểm tra, thanh tra trực tiếp đối với SAGRI. Thậm chí khi dự án đã được chuyển nhượng, Chi cục này nhận được báo cáo từ kiểm soát viên của SAGRI nhưng vẫn không có kiến nghị gì” - Viện Kiểm sát nhận định.
Theo Viện Kiểm sát, hành vi của ông Đặng Quyết Tiến, bà Phan Thị Hồng và các cán bộ tham mưu đề xuất ký ban hành các văn bản hướng dẫn nêu trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền đối với những người này.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí", "tham ô tài sản", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "che giấu tội phạm" xảy ra tại UBND TP Hồ Chí Minh và SAGRI.
 Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc, và ông Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư SAGRI.
Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đã truy tố 19 bị can, trong đó ông Trần Vĩnh Tuyến và 8 người bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI và Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng) bị truy tố về hai tội "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, mặc dù biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường… Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng công ty Phong Phú.
Vì vậy, Viện Kiểm sát cho rằng, quyết định của UBND TP chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú là chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. "Và đây chính là cơ sở để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng" - cáo trạng nêu rõ.
Vụ sai phạm xảy ra tại SAGRI do Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) phát hiện, khởi tố từ năm 2019. C01 đã khởi tố 16 bị can, trong số này có ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc SAGRI, cùng nhiều thuộc cấp về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí”; Đồng thời, khởi tố nhiều bị can khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuộc UBND TP và các sở, ngành liên quan để điều tra tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, trong đó có ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; ông Trần Trọng Tuấn, nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP; ông Phan Trường Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP…
Tháng 3/2021, C01 khởi tố thêm 3 bị can khác là Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP; Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP và Nguyễn Thị Thanh An, nguyên Kiểm soát viên của SAGRI... Đến nay, trong vụ án này đã có 22 người bị khởi tố, điều tra về 4 nhóm tội danh.
Kết luận của cơ quan chức năng trước đó cho biết từ năm 2004 - 2017, SAGRI để xảy ra một loạt sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai liên quan đến khoảng 1.900 ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng…