TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho 700.000 trẻ em

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, hiện chưa định thời gian triển khai.

Chiều ngày 15/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế TP đang lên kế hoạch để trình UBND ban hành cụ thể về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi, dự kiến TP có khoảng 700.000 trẻ em trong độ tuổi này.
 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP
Hiện, một số quận huyện đã lấy danh sách trẻ từ 12 tuổi trở lên, sẵn sàng tiêm khi TP thông qua phương án. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tiêm vét những trường hợp trên 18 tuổi chưa tiêm mũi một và tiêm mũi hai cho người đủ thời gian. Người chưa tiêm mũi một có thể đăng ký tiêm qua tổng đài 8066.
Trước đó, ngày 14/10, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện cho trẻ 12-17 tuổi.
Ngành y tế sẽ tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ cần ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng.
Bộ Y tế không nói rõ loại vaccine nào được phép tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Trên thế giới, hiện có vaccine của Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp dùng cho lứa tuổi này. Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp vaccine của hãng dược Zydus Cadila cho người từ 12 tuổi trở lên. Giới chức Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 của Sinovac cho trẻ 3-17 tuổi.
Bộ Y tế đề nghị các sở y tế phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học, phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cho các tỉnh, thành đối với các loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này.
Ngày 15/10, 20 chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh mở cửa lại
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trong ngày 15/10 có đến 20 chợ ở TP được tổ chức hoạt động trở lại gồm: chợ Tự Đức (TP Thủ Đức); chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1); chợ Bàn Cờ (quận 3); chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); chợ Bình Tây (quận 6); chợ Phạm Văn Hai, chợ Nghĩa Hòa, chợ Tân Hưng, chợ Tân Phước, chợ phường 11, chợ Nam Hòa, chợ Trần Văn Quang, chợ Tân Trụ (quận Tân Bình); chợ Hiệp Thành, chợ Bà Bầu, chợ An Sương (quận 12); chợ Rạch Ông, chợ Phạm Thế Hiển (quận 8); chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân).
Theo quy định, các chợ mở lại chủ yếu với công suất nhỏ, kinh doanh các ngành hàng lương thực thực phẩm.
Sở Công thương TP cho biết, theo kế hoạch từ ngày 16 đến 20/10, các quận huyện dự kiến tổ chức hoạt động trở lại thêm 16 chợ. Như vậy, đến thời điểm này, ngoài các chợ quy mô nhỏ, những chợ thuộc loại 1, có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đều đã được cho mở trở lại, trong đó chợ An Đông cho mở lại với tất cả các ngành hàng.
8 quận huyện hiện chưa mở lại chợ gồm quận 4, 6, 7, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần