Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Liệu có xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ năm?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong nhiều câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức vào chiều 24/2.

Mua thuốc điều trị Covid-19 phải có toa của bác sĩ

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Trước tình hình gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trong những ngày qua, việc Bộ Y tế cho phép 3 công ty dược của Việt Nam được phép bán thuốc điều trị Covid-19…, khiến dư luận quan tâm liệu có xảy ra đợt dịch lần thứ năm? Khi số ca nhiễm tăng, TP Hồ Chí Minh có kích hoạt Bệnh viện dã chiến? Việc phân bổ thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 thế nào? Người mắc Covid-19 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thể nhờ người thân ở TP Hồ Chí Minh giúp thuốc điều trị Covid-19 hay không?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế khẳng định muốn mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, phải có toa bác sĩ. 
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế khẳng định muốn mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, phải có toa bác sĩ. 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, trả lời: “Ngành y tế cùng các cơ quan chức năng vẫn theo dõi diễn tiến của dịch Covid-19. Hàng tuần các phường/xã/thị trấn đều công bố cấp độ dịch tại địa phương. Khi có thông tin, Ban Chỉ đạo sẽ thông báo, do đó mong bà con bình tĩnh. Dù số ca Covid-19 có tăng cao, nhưng số ca trở nặng, số ca tử vong thấp. Hiện nay thành phố đã có kịch bản chuẩn bị đối với các bệnh viện để tiếp nhận hoặc thu dung trẻ em”.

Về việc phân bổ thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, thời gian qua Bộ Y tế đã nỗ lực cấp phép cho 3 công ty dược sản xuất thuốc kháng virus để đưa ra thị trường. Các công ty này đã nỗ lực hết mình trong việc nhập nguyên liệu, sản xuất trong tình hình khó khăn, nỗ lực đăng ký và công bố.

“Chiều ngày 23/2, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với 3 công ty để thống nhất và đánh giá, duyệt bảng giá. Hiện các công ty dược đã bán thuốc cho các nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Muốn mua thuốc giúp cho người thân bị Covid-19, bắt buộc phải có toa thuốc của bác sĩ theo quy định. Nếu người dân ở tỉnh nhờ người thân trên TP Hồ Chí Minh mua giúp thuốc nhưng không theo đơn thuốc là rất nguy hiểm. Việc mua đúng toa thuốc nhằm bảo vệ người bệnh, bảo vệ cộng đồng, không nên sử dụng bừa bãi, khi đó sẽ bị kháng thuốc, dẫn đến hậu quả khó lường. Để giải quyết việc kê đơn, Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn”, bà Mai nói.

Thành phố có 53 cửa hàng xăng phục vụ 24/24 giờ

Về tình hình cung ứng xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua có biến động xăng dầu trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, ngành QLTT thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát. Tại TP Hồ Chí Minh có 548 cây xăng, 15 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu, 57 thương nhân phân phối xăng dầu…, đến hôm nay có 5 cửa hàng xăng dầu tạm ngừng hoạt động vì những lý do chính đáng khác nhau. Mỗi ngày các đội QLTT thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo về Cục QLTT.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết toàn thành phố có 53 cửa hàng xăng dầu phục vụ 24/24 giờ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết toàn thành phố có 53 cửa hàng xăng dầu phục vụ 24/24 giờ.

“Đến sáng nay, trước khi xảy ra tình hình phức tạp trên thế giới. Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục QLTT túc trực 24/24 giờ, dừng tất cả việc nghỉ phép, tập trung tất cả những ai đã đi nghỉ. Mục đích để giám sát tình hình bình ổn thị trường, cung ứng xăng dầu, tránh tình trạng lợi dụng tình trạng khan hiếm để tăng giá, đảm bảo bình ổn”, ông Đạt chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Qua kiểm tra DN đầu mối, DN phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Thanh tra Sở Công thương kiểm tra được 5 DN phân phối, đa số chấp hành, chỉ có 1 DN không đảm bảo điều kiện kinh doanh. Đối với 11 DN bán lẻ, đa số rơi vào tình trạng thiếu hụt tạm thời (xăng 95), các DN này không vi phạm, thời điểm ngưng kinh doanh do không đủ yêu cầu để bán hàng. Các DN này đều tập trung ở nhóm 4 đầu mối cung ứng xăng dầu. Sáng 24/2, Sở Công thương thống nhất mời Công an và Cục thuế dự họp, nếu phát hiện 4 DN có sai phạm thì xử lý. Với tình hình phức tạp hiện nay trên thế giới, tới đây DN nào vi phạm hoặc tái phạm sẽ cương quyết xử lý chứ không nhắc nhở nữa. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 53 cửa hàng xăng dầu (10% số cửa hàng trên địa bàn) phục vụ 24/24 giờ".

Đăng thêm tin về vụ “giả bác sĩ” là tổn thương

Về vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ tình nguyện vào Khu điều trị F0 ở Trường Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh, tại buổi họp báo thượng tá Lê Mạnh Hà, Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Công an thành phố đã thông tin nội dung trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các thông tin cung cấp cơ bản nêu được diễn biến vụ việc. Công an thành phố tiếp tục điều tra làm rõ hành vi, mục đích, động cơ, hậu quả (nếu có).

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng đừng đào sâu vụ giả bác sĩ, đăng nữa tổn thương lắm.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng đừng đào sâu vụ giả bác sĩ, đăng nữa tổn thương lắm.

“Với góc độ của công an, qua vụ việc này tôi thấy không phải quá lớn. Xảy ra tại thời điểm cao điểm dịch Covid-19 lần thứ tư, được phát hiện từ tháng 9/2021. Đến nay, đối tượng Khiêm không có hành vi vi phạm nào khác. Chúng ta khai thác thông tin gần ngày 27/2 (Ngày Thầy thuốc Việt Nam) sẽ tạo ra tâm lý nghi ngờ trong dân. Đề nghị báo chí hạn chế, chấm dứt việc đưa tin thêm đưa tin sâu”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Cũng về vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh bác sĩ tình nguyện vào Khu điều trị F0, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo, trao đổi: “Trong vài ngày qua một số báo thông tin Khiêm giả sinh viên, giả bác sĩ để tham gia phòng chống dịch Covid-19. Nguyễn Quốc Khiêm đã có hành vi sai phạm, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào động cơ, mục đích, tính chất, tác hại để xử lý đúng quy định. Vụ việc xảy ra đã khá lâu, trong bối cảnh cao điểm của phòng, chống dịch, với khối lượng công việc lớn và phức tạp. Do tính chất như vậy chắc chắn có nhiều sai sót, tuy nhiên hãy nhìn vào sự hy sinh cống hiến của đội ngũ y bác sĩ, nhìn vào sự hy sinh của hàng triệu người tình nguyện. Cá nhân Khiêm đã nhận thấy sai sót và một số cơ quan chức năng đã thấy trách nhiệm và xử lý bước đầu. Hiện công an đang tiến hành điều tra, khi có kết quả sẽ thông tin cho cơ quan báo chí”...

 

Thuốc điều trị Covid-19 đã sản xuất từ tháng 8/2021

Tại buổi họp báo, Ban Chỉ đạo giới thiệu 3 công ty được Bộ Y tế cấp phép sản xuất và bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, gồm: Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar; Công ty CP Dược phẩm Stella; Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam.   

Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar, chia sẻ: “Từ tháng 8/2021, công ty đã nghiên cứu thuốc chữa Covid-19. Đến ngày 17/2, công ty mới được cấp số đăng ký, chiều hôm qua (23/2) giá bán mới được Bộ Y tế duyệt. Công ty chúng tôi mong muốn làm cách nào tốt nhất để đưa thuốc chữa Covid-19 đến với người bệnh. Công ty có gần 1.000 công nhân và chúng tôi đều sử dụng thuốc do mình sản xuất. Nếu tất cả chúng ta đều tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 và kết hợp với thuốc chữa Covid-19 (nếu bị nhiễm) thì xã hội mình sẽ bình yên”.

Bà Nguyễn Ngọc Liễu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Stella, nói: “Công ty đạt tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, có 2 nhà máy đặt tại huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) và Khu công nghiệp Viet - Singapore (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Chúng tôi có cơ số thuốc khá lớn, nên từ tháng 8/2021 đã hỗ trợ, cung cấp cho người bệnh ở các địa phương, như: TP Hồ Chí Minh (50.000 liều), Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Đồng Tháp… Hiện nay, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, được đưa thuốc 400mg ra thị trường đến với người bệnh tại nhiều địa bàn, nhiều tỉnh/thành trên cả nước càng sớm càng tốt để góp phần phòng, chống dịch Covid-19”.