Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Ngừng tất cả trạm y tế lưu động trong tháng 5

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022, phương hướng tháng 5/2022 diễn ra vào chiều 26/4.

Tại hội nghị, ông Tăng Chí Thượng thông tin về công tác phòng chống các dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Tăng Chí Thượng, đến nay, TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca sởi nội trú hoặc ngoại trú. Đối với bệnh chân tay miệng, TP ghi nhận số ca nội trú - ngoại trú là 171 ca, giảm 97% so với cùng kỳ (cùng kỳ 5.600 ca).

Số ca mắc sốt xuất huyết Denger khoảng 4.500 ca, giảm 28% so với cùng kỳ (cùng kỳ 5.588 ca), trong đó có 109 ca nặng và đã có 2 trường hợp tử vong. Đó là trường hợp của một phụ nữ mang thai và một trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là do phát hiện và nhập viện trễ. 

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 tại một trường ở TP Hồ Chí Minh.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 tại một trường ở TP Hồ Chí Minh.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Công tác phòng chống dịch chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; hài hòa giữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đối với công tác giám sát các nhóm nguy cơ, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả hai trụ cột chính: Chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại các cơ sở điều trị. Trường hợp các ca bệnh sau xuất viện hoặc sau cách ly tập trung từ các tỉnh trở về được TP giám sát theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19, TP tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ năm 2022. Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19. Hướng dẫn xử trí người bệnh sau mắc Covid-19 dành cho các cơ sở y tế.

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi; tổ chức tiêm tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển. Trong tháng 4/2022, TP đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Cụ thể, lũy kế đến nay đã thực hiện hơn 20,46 triệu mũi (hơn 8,12 triệu mũi 1, hơn 7,4 triệu mũi 2, mũi bổ sung hơn 0,682 triệu, mũi nhắc lại hơn 4,26 triệu). Đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi (bao gồm khoảng 0,73 triệu mũi 1 và 0,68 triệu mũi 2), còn trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được khoảng 9.375 mũi 1, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022.

Ngành y tế TP cũng cập nhật mũi tiêm lên nền tảng và cấp giấy xác nhận tiêm vaccine phòng Covid-19, quản lý dữ liệu người tiêm vaccine phòng Covid-19 trên nền tảng tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế và triển khai chữ ký số xác thực dữ liệu tiêm. Hoàn thiện nền tảng ứng dụng về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phù hợp với thực tiễn trong quản lý thông tin tiêm chủng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo mỗi người dân có thông tin về lịch sử tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, chính xác gắn liền với dữ liệu cá nhân; đảm bảo có thể kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho người dân.

"Đã hơn 3 tuần nay, TP không có bất cứ ca tử vong vì Covid-19. Do đó, sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, tại TP sẽ không tồn tại Trạm Y tế lưu động, vì mỗi trạm chưa tới 20 ca F0. Sở Y tế sẽ để các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động dừng hoạt động của các Trạm Y tế lưu động trong tháng 5/2022. Đối với Bệnh viện dã chiến 3 tầng cũng chỉ duy trì một cái, còn 3 Bệnh viện dã chiến 3 tầng ở quận Tân Bình cũng sẽ ngừng hoạt động vì không còn ca nào. Về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay đã thực hiện tiêm trên 172.000 trẻ tại 140 trường học, với hơn 300 đội tiêm. Ngành y tế không tiêm ồ ạt để bảo đảm an toàn cho trẻ. Trong quá trình tiêm vaccine vừa qua cũng có xảy ra một số sự cố, nhưng do lường trước nên trẻ vẫn an toàn" - ông Thượng nói.   

 

Tháng 4/2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật với 6.913 tờ bản gốc, 3.956 tờ bản sao, tổng khối lượng 3.271.076 kg, tổng số tiền thu được trên 800 triệu đồng. Cấp 618 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận 3.258 hồ sơ tự công bố sản phẩm, 17 hồ sơ đăng ký công bố, 207 bản cam kết.

Bộ phận thường trực Ban Quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã thẩm định, cấp lại 6 giấy chứng nhận cho 6 cơ sở sơ chế sản phẩm chuỗi với sản lượng: Thịt heo 4.596 tấn/năm, rau củ quả 6.458 tấn/năm. Cấp mới 3 giấy chứng nhận cho 2 cơ sở chăn nuôi heo thịt, 1 cơ sở sản xuất rau củ quả sản phẩm chuỗi với sản lượng: Thịt heo 15.103 tấn/năm, rau củ quả 783 tấn/năm.

TP sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc” thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền kết quả 100% có vòng niêm phong. Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 2.001 cơ sở, trong đó: 1.575 cơ sở đạt, có 2 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 75 triệu đồng.