TP Hồ Chí Minh - những cung bậc trong đỉnh dịch

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc sống “bình thường mới” đang dần hồi phục, hàng ngày cả nước vẫn ghi nhận gần hơn 15.000 ca Covid-19 (F0).

TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày vẫn còn trên 1.000 ca, hơn 50 người chết vì Covid-19, khiến chúng ta không thể nào quên những gì đã diễn ra trong thời điểm đỉnh dịch Covid-19 lần thứ 4.

Hàng rào thép gai nhan nhản, giá thực phẩm tăng vọt

Ai đã từng sống tại TP Hồ Chí Minh vào thời điểm đỉnh dịch của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kể từ ngày 27/4, sẽ không thể nào quên được hình ảnh dây giăng trước cổng một căn nhà, khu nhà hoặc hàng rào thép gai đặt trước một con hẻm có người bên trong mắc Covid-19.

Từ ngày 9/7, hàng loạt con đường tại TP Hồ Chí Minh vắng hơn Tết Nguyên đán, người dân không được ra khỏi nhà nếu không có việc quan trọng. Việc đi chợ, siêu thị để mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được quản lý theo phiếu đi chợ. Số người mắc Covid-19 mỗi ngày cứ tăng vài nghìn ca, có hôm lên hơn 10.000. Cứ vài ngày tổ trưởng dân phố gõ cửa hoặc đứng ngoài đường nói thật to để thông báo người dân ra đường cho nhân viên y tế test nhanh.
 Một người dân kiệt sức trên quãng đường về quê, được Thiếu tá Đoàn Đức Thuận thuộc Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cõng đưa lên xe chở về quê. Ảnh: Tân Tiến
Vào ngày 4/8, toàn TP có 4.660 khu vực phong tỏa, riêng quận 6 có 139 điểm, ở phường nơi tôi sinh sống có 6 khu phong tỏa. Khắp các ngả đường nhan nhản hàng rào thép gai, barie chốt chặn, nhà nào hoặc một khu nhà hay một con hẻm có một hay vài người bị F0, F1 đều bị giăng dây cảnh báo trước cửa. Hẻm 99 Bình Tây cùng với 12 căn nhà ở mặt tiền đường, trong đó có nhà tôi cũng bị rào chắn bằng barie và dây giăng.

Luật sư Đào Kim Lân, nhà ở đường Minh Phụng, phường 9, quận 6, cách hai ngày lại gọi: “Chú khỏe không? Nhà có bị giăng dây? Con hẻm khu nhà anh bị rào rồi”. Tương tự, luật sư Trần Thị Ánh, nhà ở TP Thủ Đức, cho biết khu nhà chị cũng bị dựng barie, giăng dây.

Cả TP bị phong tỏa, lương thực, thực phẩm nhất là rau củ quả trở thành thứ hàng xa xỉ. Trong các siêu thị, một quả trứng gà có hôm lên tới 5.000 đồng/quả, một bó rau cải bình thường 14.000 đồng, nhưng trong đỉnh dịch lên 40.000 đồng, một bó hành chỉ 20.000 đồng, nhưng lên 100.000 đồng tại siêu thị…

Đồng bào gặp nạn, ai cũng có thể làm từ thiện

Trong đỉnh dịch, hàng triệu người dân TP gặp khó khăn, việc trợ giúp Nhân dân ngoài các tổ chức đoàn thể chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, còn xuất hiện nhiều tổ chức, hội đoàn, cá nhân đứng ra làm từ thiện. Nhiều mô hình ATM gạo, ATM khẩu trang xuất hiện để cứu trợ người dân.

Nhóm luật sư SOSLaw khi nghe tôi gọi điện nói tại một khu ở phường 14, quận 6, có quá nhiều người cần trợ giúp lương thực. Ngay trong sáng 20/7, luật sư Đào Kim Lân đã cùng các luật sư Nguyễn Đình Thuận, Phương Văn Thêm, Nguyễn Hoài Nghĩa…, dùng xe tải chở hàng trăm phần quà gồm: Gạo, mì ăn liền, sữa, rau củ quả, thực phẩm khô…, đến cho người dân thông qua chính quyền. Còn luật sư Trần Thị Ánh nghe tin các y bác sĩ tại Bệnh viện quận 6 đang gặp khó khăn, lập tức gia đình chị gửi 600kg gạo và rau quả đến hỗ trợ.

“Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đã gây ra nhiều tang thương, mất mát. Vì thế nhóm luật sư chúng tôi quyết định tham gia hỗ trợ cho đến khi cuộc sống trở lại bình thường” - luật sư Đào Kim Lân, kể lại.

Cũng theo luật sư Lân, trước ngày 23/8, nhóm SOSLaw đã trao hơn 2.000 phần quà cho các quận, huyện và TP Thủ Đức, vận chuyển hơn 200 chuyến hàng cho các bệnh viện dã chiến, khu vực bị phong tỏa, các tổ chức tôn giáo (Chùa, Nhà thờ), nhà mở, mái ấm. Sau ngày 23/8, nhóm chỉ giúp vận chuyển các túi thuốc điều trị F0 tự cách ly tại nhà, các thiết bị y tế như: Máy đo oxy, máy thở, bình oxy… TP Hồ Chí Minh có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhóm thiện nguyện như vậy.

Trọn nghĩa tình quân dân

Từ 0 giờ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội triệt để với phương châm “Ai ở đâu ở yên đó”. Bộ Quốc phòng điều hơn 2.000 bác sĩ quân y và nhân viên y tế tiếp viện. Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Quân đoàn 4 điều hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia cùng các lực lượng tại các chốt kiểm soát trên toàn TP nhằm đảm bảo an ninh trật tự, Vận chuyển các trang thiết bị y tế cho bệnh viện; Cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh điều hơn 36.000 quân cùng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể: Tiếp nhận vận chuyển 6.374 chuyến, với 115.983 người bị F0 đi cách ly, chữa bệnh. Cùng với chính quyền cơ sở đem hàng trăm nghìn tấn lương thực, rau củ quả đến phát cho từng nhà dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh, người tử vong do Covid-19 không được phép chôn, mà phải hỏa táng trong khi số người mất quá nhiều, thành phố lại bị phong tỏa. Lợi dụng tình hình này, nhiều dịch vụ mai táng đã “làm giá” từ 30 - 40 triệu đồng cho một áo quan bằng ván ép, cộng với tiền hỏa táng. Từ sự việc trên, được sự cho phép của Thành ủy, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã lập 33 đội, tổ công tác đặc biệt tham gia xử lý thi thể, tiếp nhận, quản lý, tổ chức trao tro cốt, tài sản, di vật của người mất vì Covid-19 cho gia đình các nạn nhân với hình thức trang trọng, nghĩa tình nhất.

Bà Nguyễn Thị Vễ (SN 1966, chuyên trách LĐ - TB&XH của UBND phường 10, quận 6), có em ruột mất vì Covid-19, kể lại: “Thời điểm đó, đối với gia đình khó khăn để lo chi phí cùng lúc 2 - 3 đám tang là điều không thể. Vì các dịch vụ mai táng đòi thấp nhất 30 triệu đồng để hỏa táng một người. Nhưng may mắn việc hỏa táng em tôi và đám tang cha tôi được Quân đội lo hết”.

Ngày 1/10, sau khi UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 18 vào chiều 30/9, hàng chục vạn người dân bằng mọi phương tiện, bằng mọi cách lũ lượt rời TP về quê hương. Bởi lẽ, họ đã chứng kiến quá nhiều mất mát, tang thương, mặc dù TP có nhiều gói hỗ trợ nhưng vẫn không kịp đến tay người dân. Chưa kể đã xảy ra tình trạng cán bộ “cài” người thân vào danh sách nhận tiền ở TP Thủ Đức, ăn chặn tiền Chính phủ hỗ trợ người dân ở quận Bình Tân.

Trước việc người dân tự phát về quê để “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tổ chức hàng nghìn chuyến xe đưa người dân trở về quê hương an toàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần