Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh theo sát biến động lao động từ nay đến Tết Nguyên đán

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm hàng nghìn lao động.

Nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động vì khó khăn

Chiều 10/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch dưới sự chủ trì của ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi họp, rất nhiều vấn đề dân sinh được phóng viên nhiều báo đài đặt ra, trong đó tình hình lao động, việc làm vào dịp sắp Tết được khá nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết nhiều DN phải giảm lao động vì thiếu đơn hàng.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết nhiều DN phải giảm lao động vì thiếu đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, theo thống kê trên địa bàn TP có 248.897  doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Thời điểm tháng 10/2022, tổng số lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là 2.496.211 người, tăng 345.660 người so cùng kỳ năm 2021 và tăng 100.104 người so với 6 tháng đầu năm 2022.

Qua nắm bắt nhanh tình hình nhu cầu tuyển dụng lao động tại 285 DN có từ 200 lao động trở lên cho thấy, 159/285 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng là 8.232 người, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm là 43.000 người, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết. Do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số DN gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động như Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân)…

Ngoài ra, để ứng phó với khó khăn, một số DN đã sắp xếp lại thời giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất, như: Không tăng ca, cho người lao động (NLĐ) nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần nhằm giữ chân NLĐ, để có đủ nguồn nhân lực khi có các đơn hàng mới. Ngay khi nhận tin DN gặp khó khăn phải giảm lao động, Sở LĐTB&XH đã cử cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP và các phòng nghiệp vụ phối hợp ngay với phòng LĐTB&XH các quận, huyện và TP Thủ Đức, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) làm việc trực tiếp với chủ DN, công đoàn cơ sở (CĐCS) để nghe ý kiến DN, của CĐCS về các khó khăn sản xuất; tình hình sử dụng lao động; phương án giảm lao động; nguyện vọng của NLĐ để kịp thời tham vấn, hỗ trợ DN, CĐCS.

Gần 3.000 lao động trong các DN nước ngoài bị mất việc

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH làm việc trực tiếp với Thường trực UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để nắm cụ thể tình hình, chủ động nắm bắt cơ sở và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động, kết nối nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu làm việc tại các địa phương.

Qua tổng hợp, năm 2022 có 26 DN thông báo cho NLĐ thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (gồm 14 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 12 DN trong nước) với số lao động bị mất việc là 2.844 người/14.861 NLĐ. Số DN thông báo giảm lao động bằng so với năm 2021 (26 DN); thấp hơn so với giai đoạn 2019-2020 (năm 2019 có 74 DN, năm 2020 có 86 DN thông báo cho NLĐ thôi việc).

Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho DN giảm lao động thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của NLĐ (các chế độ được nhận khi mất việc, tư vấn đào tạo nghề, hỗ trợ thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, chốt sổ BHXH…), Sở LĐTB&XH nhận thấy phải nhanh chóng hỗ trợ, kết nối để NLĐ sớm có chỗ làm mới để ổn định đời sống thông qua việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, sớm quay lại với thị trường lao động. Kết nối các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB&XH với các tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động tỉnh muốn trở về quê làm việc. Kết nối với hệ thống các DN hoạt động dịch vụ việc làm để có nhiều kênh thông tin việc làm hỗ trợ NLĐ ngay khi DN có kế hoạch cắt giảm lao động.

Nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động, việc làm

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, để ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các DN trên địa bàn TP trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở LĐTB&XH có trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp.

Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp và các đoàn thể theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các DN; tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các DN gặp khó khăn, phải giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách hỗ trợ cho NLĐ, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất của DN; giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; giám sát DN việc thực hiện đầy đủ các cam kết với NLĐ; có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng NLĐ.

Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, đặc biệt các địa bàn có DN sắp xếp lại lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các DN và tổ chức cho NLĐ gặp gỡ phỏng vấn. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).

Giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các DN trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, vận động các DN sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ; phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động theo kế hoạch chung của LĐLĐ TP.

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH cũng yêu cầu các DN sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ NLĐ, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của DN và thông tin đầy đủ, kịp thời cho NLĐ biết; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch như đã thỏa thuận.

“Sở cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động, đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật đối với NLĐ, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng; hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của DN và NLĐ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động”, ông Nguyễn Văn Lâm nói.