Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị.

 Kết nối giao thông vùng có đủ 4 đường

Ngày 12/7, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo tham luận của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh về “Đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng giao thông phát triển vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2030”, thể hiện nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Ùn tắc giao thông khiến TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm.  
Ùn tắc giao thông khiến TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm.  

Đến nay kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đủ 4 phương thức: Đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không). Năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 4.734,7km, tỷ lệ đất dành cho giao thông là 12,2%, mật độ đường giao thông là 2,2km/km², trong đó, khoảng 1.800km đường có chiều rộng phần xe chạy trên 7m (chiếm khoảng 44%).

TP Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh, thành lân cận thông qua hệ thống quốc lộ, vành đai. Tuy nhiên, do các tuyến Quốc lộ chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch, Vành đai 3, 4 chưa được đầu tư khép kín nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Về đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 54.9 km, quy mô 6-8 làn xe. Hiện đang khai thác giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe (bề rộng 26,5m). Hiện nay, lưu lượng phương tiện đã vượt năng lực thiết kế đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cấp, mở rộng phù hợp với thực tế và tương lai, đặc biệt, phục vụ kết nối Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và chống ùn tắc giao thông (UTGT) khu vực cửa ngõ TP.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 40km và 20km tuyến nối, quy mô 8 làn xe. Hiện đang khai thác giai đoạn 1 với  4 làn xe từ năm 2010; Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 58km (đoạn qua địa bàn TP Hồ Chí Minh dài khoảng 24,9km), quy hoạch 6 ÷ 8 làn xe. Hiện đang triển khai xây dựng giai đoan 1 với quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Đối với 2 cao tốc còn lại TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) dài 50km (đoạn qua TP khoảng 24km), quy mô 6 - 8 làn xe và cao tốc TP Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một - Chơn Thành, chiều dài 69km (đoạn qua TP khoảng 1km), quy mô quy hoạch 6 ÷ 8 làn xe đang được nghiên cứu đầu tư để giảm tải cho Quốc lộ 22 và 13.

 Áp lực từ phương tiện giao thông quá nhiều

Về đầu tư xây dựng đường sắt, theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí MinhPhan Công Bằng, hiện nay TP Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đối với các tuyến đường sắt còn lại theo quy hoạch, hiện chưa được nghiên cứu để đầu tư.

Tuyến đường sắt hiện hữu Bắc - Nam hiện khai thác với tốc độ chạy tàu thấp, giao cắt đồng mức nhiều dẫn đến tai nạn giao thông và UTGT tại các khu vực đô thị. Đối với hai tuyến đường sắt đề xuất mới theo quy hoạch (Trảng Bom - Hòa Hưng và Biên Hòa - Vũng Tàu) chưa được đầu tư dẫn đến chưa phát huy được vai trò của đường sắt trên hành lang TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Đối với hàng không, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hiện lớn nhất nước với lưu lượng hành khách đạt khoảng ‎41,4 triệu lượt/năm. Hiện nay, đã điều chỉnh quy hoạch để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 0,8 - 1,0 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2030.

Đối với cảng biển, TP Hồ Chí Minh đang khai thác 42 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng 15.279m đạt 93% quy hoạch xây dựng cầu cảng đến năm 2020 là 16.436m, gồm 4 khu bến chính: Khu bến Cát Lái - Phú hữu; Khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp; Khu bến trên sông Sài Gòn; Khu bến trên sông Nhà Bè; Cơ bản đã di dời các khu bến cảng trên sông Sài Gòn theo quy hoạch.

Ông Phan Công Bằng cho biết thêm: “TP Hồ Chí Minh có 1 điểm hay là các chỉ số nằm ở khoảng 25% - 30% của cả nước. Ví như cảng biển chiếm khoảng 30% cả nước, đăng ký phương tiện giao thông chiếm khoảng 1/4 cả nước nên áp lực giao thông rất lớn. 

Mặc dù hạ tầng cảng biển đã được đầu tư theo quy hoạch nhưng hạ tầng kết nối cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ cùng quá trình dịch chuyển vai trò của cảng biển TP ra khu vực Cái Mép - Thị Vải (đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải chưa kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành) làm tăng chi phí vận tải và logistics.

Hầu hết việc đưa/rút hàng khỏi cảng biển phụ thuộc hoàn toàn vào đường bộ, đường thủy nội địa chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong khi các tuyến đường sắt kết nối cảng biển vẫn chậm được nghiên cứu đầu tư.

Cũng theo ông Bằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là một số trục kết nối mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Do đó liên kết giữa hệ thống giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh với giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thiếu và gặp nhiều khó khăn (mạng lưới đường còn thiếu, sự liên kết còn yếu…) dẫn đến tình trạng UTGT thường xuyên diễn ra…

 Phát triển không chỉ vài năm, phải liên tục hàng chục năm

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, hỏi: “UTGT ở TP Hồ Chí Minh có làm cản trở phát triển? Ví như, TP Manila đóng góp 30% GDP của Philippines, nhưng UTGT đã làm giảm đi 8% GDP của đất nước này, trong khi chúng ta lại chưa đánh giá điều này. 

UTGT không phải vấn đề riêng của giao thông mà là câu chuyện không gian, quy hoạch phát triển, từ văn hóa, thói quen của chúng ta. Chúng ta có nên loại bỏ dần xe máy? Có như vậy mới giải quyết căn cơ, mới giảm UTGT”.

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, ông Phan Công Bằng cho rằng qua nghiên cứu tác động giao thông, TP Hồ Chí Minh có một số dự án phát triển hạ tầng, như: Hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng. Với tình trạng UTGT như hiện nay, mỗi năm TP Hồ Chí Minh thiệt hại khoảng 6 tỷ USD. Do đó, để hàng hóa lưu thông nhanh, cần phát triển nhanh các đường vành đai.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiện cả nước có 6 Vùng kinh tế, do đó sẽ tổng kết cả 6 Vùng để từ đó thấy được thế mạnh, hạn chế, yếu kém, đâu là điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở phát triển để từ đó Bộ Chính trị sẽ ra Nghị quyết mới.

Khi có Nghị quyết mới, chúng ta đưa ra định hướng phát triển, tầm nhìn mới, cơ hội mới. Nghị quyết Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2045 cả nước phát triển kinh tế, thu nhập người dân tăng cao, vậy Vùng Đông Nam Bộ thế nào? Riêng TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, do đó phải xác định mục tiêu rõ ràng, cần có chính sách, giải pháp cụ thể.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về quan điểm có nên thay đổi quan điểm cũ là chỉ tập trung liên kết, phát triển kinh tế Vùng? Đã đến lúc TP Hồ Chí Minh coi phát triển là ưu tiên hàng đầu để ổn định hay ổn định để phát triển? Thứ hai, cần đặt vai trò, vị trí trong bối cảnh, yêu cầu, tình hình mới để đảm đương sứ mệnh mới. Từ đó, đặt ra quan điểm, mục tiêu cao hơn, mạnh hơn, không dừng lại trong vài ba năm mà phải phát triển liên tục hàng chục năm, như vậy TP Hồ Chí Minh mới xứng đáng là đầu tàu cả nước.

“Về quan điểm trung tâm, hiện TP Hồ Chí Minh đảm đương rất nhiều trung tâm (kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo…). Để đạt được các mục tiêu, TP cần mạnh dạn kiến nghị cơ chế, chính sách. Những cái gì mới thì TP Hồ Chí Minh được thí điểm, áp dụng làm trước.

Cá nhân tôi đề nghị TP Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại là trung tâm tài chính ở TP Thủ Đức mà cần hình thành một TP tài chính, một nền kinh tế xoay quanh TP tài chính sẽ là trung tâm phát triển cả nước. Một nhiệm vụ quan trọng không kém sắp tới khi quy hoạch Vùng, TP Hồ Chí Minh phải giữ vai trò chính”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kết luận.