TP Hồ Chí Minh yêu cầu điều chỉnh việc dạy chương trình lớp 1 mới

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình lớp 1 mới còn gặp một số khó khăn và sẽ điều chỉnh.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh (Sở GD-ĐT) cho biết, năm học 2019 - 2020, học sinh mầm non nghỉ kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Năm học 2020 - 2021, các trường tựu trường muộn hơn so với những năm trước khoảng 2 tuần (ngày 1/9/2020 học sinh tựu trường, 5/9/2020 khai giảng năm học mới, 7/9/2020 thực học).
Do đó, học sinh chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm quen với trường, lớp, cô giáo, bạn bè. Việc chuẩn bị tâm lý và trang bị những kĩ năng cần thiết cho học sinh trước khi chính thức học chương trình lớp 1 có nhiều hạn chế, đặc biệt ở những trường có sĩ số học sinh đông.
Chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 bị đánh giá gặp khó khăn cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh
Ngoài ra, nhiều giáo viên dạy lớp 1 phản ánh, sách giáo khoa mới, nhất là Tiếng Việt có tiến độ bài học nhanh, yêu cầu cao hơn chương trình cũ khiến học sinh khó theo kịp. Không chỉ giáo viên, phụ huynh cũng chật vật khi kèm con học tại nhà.
Vì vậy, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tiểu học cần căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, thực tế của học sinh lớp 1 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp.
Cụ thể, giáo viên cần phải căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp. Thầy cô có thể tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh.
Tùy yêu cầu cần đạt được của từng môn học, giáo viên cũng có thể chia thành từng "chặng", điều chỉnh nội dung dạy học gần gũi, dễ hiểu để học sinh nắm vững các kiến thức, kỹ năng.
Ở lớp, thầy cô không đặt ra yêu cầu chung với tất cả học sinh để tránh gây áp lực cho các em tiếp thu bài chưa tốt. Thay vào đó, giáo viên sẽ phân loại các em theo đặc điểm riêng để có cách dạy phù hợp.
Giáo viên nắm kĩ đặc điểm từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp. Cụ thể như đối với môn Tiếng Việt 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kĩ năng.
Đối với kĩ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc.
Đối với kĩ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kĩ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng “chặng” học tập tiếp sau.
Sở đề nghị thầy cô ghi nhận sự tiến bộ của học sinh dù là nhỏ nhất, tuyệt đối không chê bai, phê bình các em còn yếu. Với học sinh tiếp thu bài chưa tốt, giáo viên có thể mời phụ huynh trao đổi, phối hợp để giúp các em tiến bộ.
Đồng thời, giáo viên phải phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, giáo viên giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo niềm tin và tâm lý sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh. Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có nhu cầu.
Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giúp các em tiến bộ.
Sở cũng yêu cầu, giáo viên tuyệt đối không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường; Không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những em học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lý cho phụ huynh, học sinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần