TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị tháo gỡ chồng chéo trong quản lý quảng cáo

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là những kiến nghị của đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ tám khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Chiều 7/12, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), các đại biểu đã thảo luận về những nội dung trình kỳ họp. Theo đó, liên quan đến hoạt động quảng cáo trên địa bàn, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã nêu nhiều bất cập, chồng chéo giữa các quy định pháp luật về quảng cáo đối với Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ tám HĐND TP  Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ tám HĐND TP  Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP Hồ Chí Minh, mỗi năm Sở này tiếp nhận và quản lý khoảng hơn 2.500 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo; hơn 500 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn (Riêng năm 2021, lượng hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo giảm 25,6% so với năm 2020 do dịch bệnh Covid-19).

Tại TP Hồ Chí Minh có nhiều loại hình quảng cáo, đối với bảng quảng cáo ngoài trời tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm TP, khu vực các vòng xoay giao lộ, các chân cầu vượt, các tuyến đường lớn, khu vực sân bay, khu trung tâm thương mại, chợ truyền thống, trạm chờ xe buýt…

TP có hơn 1.515 vị trí đặt bảng quảng cáo, trong đó có 768 vị trí đúng quy định đã được chấp thuận cho phép quảng cáo (sử dụng 50,7%), gồm: 230 bảng ốp tường; 243 trụ pano (Công ty BĐS Bình Minh 99 trụ); 295 hộp đèn trụ trên tuyến đường và giải phân cách. 

Có 747 vị trí quảng cáo không được phép, chưa được chấp thuận theo đúng thẩm quyền (chiếm 49,3%), bao gồm: 120 trụ pano do quận, huyện và Sở Giao thông vận tải chấp thuận cho phép cổ động chính trị, đã bị "biến tướng" sang hình thức quảng cáo không phép; 254 bảng ốp tường; 373 trụ hộp đèn và trụ treo băng rôn, trụ cổ động chính trị của các quận, huyện.

Theo Sở VH&TT, từ việc phát hiện những biến tướng, bất cập trong việc thực hiện cổ động chính trị chuyển sang quảng cáo thương mại không phép, Sở đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các quận, huyện tăng cường kiểm soát, xử lý. 

Từ tháng 9/2020, Sở VH&TT đã có văn bản gửi TP Thủ Đức và các quận, huyện đề nghị không thực hiện xã hội hóa lắp đặt trụ, bảng mới cổ động chính trị kết hợp quảng cáo thương mại trong khi chờ UBND TP phê duyệt quy hoạch. 

Đối với các vị trí đã được UBND quận, huyện quy hoạch nhưng chưa thực hiện các bảng trụ, nếu có nhu cầu về cổ động chính trị, đề nghị quận, huyện thực hiện từ ngân sách, không được kết hợp quảng cáo thương mại. Đồng thời, đề nghị UBND quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vị trí quảng cáo sai quy định, chưa được chấp thuận của UBND TP.

Đại biểu tại kỳ họp thứ tám HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Đại biểu tại kỳ họp thứ tám HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Đối với loại hình quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo, theo Sở VH&TT thì đây là hình thức được TP khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vì hiệu quả mang lại. Đến nay các cửa hàng, doanh nghiệp đã thực hiện 30 biển hiệu bằng bình thức màn hình Led để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình tại điểm kinh doanh. Sở VH&TT cũng tham mưu UBND TP xem xét, quyết định cấp phép cho 28 vị trí được chuyển từ bảng bạt hiflex sang hình thức màn hình Led.

Đối với quảng cáo bằng hình thức màn hình LCD tại các chung cư, cao ốc, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn các quận, huyện và TP Thủ Đức có khoảng 9.221 màn hình LCD. Các màn hình LCD phát huy rất hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động chính trị trực tiếp đến với người dân trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiện lớn của đất nước.

Trong 10 năm (từ 2012 - 2022), Sở VH&TT đã kiểm tra và xử lý 2.181 trường hợp vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền phạt hơn 23,3 tỷ đồng. Riêng năm 2020, kiểm tra và xử lý 136 vụ vi phạm với số tiền xử phạt 1,063 tỷ đồng; năm 2021 kiểm tra và xử lý vi phạm 145 vụ với tiền xử phạt 1,982 tỷ đồng. Năm 2022, Đoàn kiểm tra chuyên ngành quảng cáo Sở VH&TT đã tiến hành kiểm tra 96 cơ sở kinh doanh quảng cáo ngoài trời, viết đặt biển quảng cáo trên địa bàn TP, ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 1,642 tỷ đồng, buộc tháo dỡ 130 bảng quảng cáo vi phạm.

Mặc dù Sở VH&TT kiểm tra, xử phạt nhưng việc cưỡng chế, tháo gỡ đối với các bảng quảng cáo có kích thước lớn không đúng quy định, gặp nhiều khó khăn do các bước quy trình nhiêu khê, lực lượng cưỡng chế phải đảm bảo chuyên môn theo quy định. Và, dù các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để, còn những khó khăn trong quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong quá trình quản lý còn gặp một số khó khăn, bất cập. Cụ thể, bảng quảng cáo xây dựng, lắp đặt trên phạm vi hành lang an toàn giao thông do Sở GTVT cấp phép sử dụng tạm và quản lý trực tiếp; những nội dung liên quan đến an toàn xây dựng trụ bảng quảng cáo lại do Sở Xây dựng quản lý, hoặc các loại hình quảng cáo trên internet do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý… Tuy nhiên, những quy định này lại không có trong Luật Quảng cáo và thuộc quy định của pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng.

Việc quản lý nội dung đối với quảng cáo trên phương tiện giao thông và màn hình chuyên quảng cáo chưa cụ thể: Quảng cáo trên phương tiện giao thông và cả trên màn hình Led, LCD, luật không quy định việc thông báo sản phẩm quảng cáo đối với hình thức này và đơn vị tự làm, tự chịu trách nhiệm, chưa được quản lý của cơ quan quản lý và khai thác để phát triển.

Bên cạnh đó, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và phát sinh nhiều bất cập. Việc lợi dụng trên nền tảng của các trang mạng xã hội như: TikTok, Facebook, Zalo, Yotube… để quảng cáo không đúng với sản phẩm thực tế hay nội dung có tính phản cảm. Nhưng hiện nay việc quản lý chỉ đang tập trung vào công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo trên mạng internet mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hoạt động quảng cáo này.

Và cuối cùng có nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý và xử phạt vi phạm, như: Việc xác định chủ thể quảng cáo, địa điểm thực hiện hành vi để làm việc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền do người thực hiện quảng cáo trên không gian mạng thường là cá nhân, không có tên thật, địa chỉ không rõ ràng; không có cơ sở dữ liệu về việc cấp phép quảng cáo hoặc nội dung cho phép quảng cáo (thông tin, hình ảnh, video) để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm…

Từ những bất cập nêu trên, các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các luật liên quan đến hoạt động quảng cáo. Các đại biểu cũng kiến nghị cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý hoạt động quảng cáo; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP theo các quy định của pháp luật và hoàn thành trước tháng 6/2023.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP nêu quan điểm, cần rà soát và có giải pháp xử lý phù hợp đối với những công trình quảng cáo ngoài trời không đúng quy hoạch và quy định. Làm rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương để xảy ra những công trình quảng cáo ngoài trời không đúng quy định nhằm chấn chỉnh, không để tái diễn. Tập trung xây dựng và phê duyệt đề án quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác hoạt động quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt), trạm dừng, nhà chờ của xe buýt trên địa bàn TP.

“Trong buổi thảo luận, đại biểu HĐND tại các tổ cũng kiến nghị cần sớm ban hành các giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng và trên internet. Đặc biệt, quản lý hoạt động quảng cáo trên các màn hình điện tử ở ngoài trời và bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh; quảng cáo trên các nền tảng internet, mạng xã hội; quảng cáo qua cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, quảng cáo qua người nổi tiếng. Cần có quy định, chính sách rõ ràng đối với việc xã hội hóa hoạt động quảng cáo thương mại kết hợp cổ động chính trị trên địa bàn, và phải tăng cường công tác tuyên truyền Luật Quảng cáo đến người dân và doanh nghiệp, vận động người dân thực hiện đúng các quy định về quảng cáo theo quy định, không dán thông tin quảng cáo trên các cột điện, hàng rào…, gây mất mỹ quan đô thị” - ông Cao Thanh Bình nói.

 

Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại. Theo Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh, đến hết tháng 10/2022, có hơn 3.234 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo và thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn được Sở tiếp nhận và xử lý.