Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả giá đắt

Đại sứ Trần Đức Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu cần bi hài kịch nào đặc thù nhất cho EU trong mấy năm gần đây thì chỉ cần nhìn vào chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit).

Đối với nước Anh và cá nhân thủ tướng đảo quốc này Theresa May thì bi hài kịch ấy thậm chí còn sâu sắc và tai hại hơn rất nhiều. Những giọt nước mắt của bà May ở giây phút cuối của lần xuất hiện đê tuyên bố từ chức cũng sẽ được đi vào lịch sử nước Anh và EU như chính câu chuyện về Brexit. 

 Thủ tướng Anh Theresa May.

Bà May là nữ thủ tướng thứ hai của nước Anh sau "Bà Đầm thép" Margaret Thatcher. Thời trị vì nước Anh của hai người khác nhau và sứ mệnh quyền lực của họ cũng khác nhau, nhưng cái kết cục chính trị của họ lại giống nhau ở chỗ cả hai đều bị thất sủng trong Đảng bảo thủ cầm quyền và đều bị nội bộ đảng này chống phá đến mức không còn có thể tiếp tục cầm quyền. Bà May đã tuyên bố là sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới - khi chuyện Brexit vẫn còn dang dở đối với nước Anh và EU. Không ai hiện có thể dám chắc là nước Anh sẽ lựa chọn kiểu Brexit nào và quyết định lựa chọn này có thể được đưa ra chậm nhất cho tới ngày 31/10/2019 hay không.

Vì chuyện Brexit vẫn dở dở ương ương như thế nên EU đã phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa rồi. Phe cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa cùng với lực lượng có quan điểm bất lợi đối với EU tuy không thắng cử oanh oanh liệt liệt như mọi dự đoán trước cuộc bầu cử nhưng đã mạnh thêm lên trong khi các đảng phái chính trị truyền thống lớn xưa nay vẫn cùng nhau quyết định vận mệnh của EU đều bị thua to. Kết quả bầu cử ấy là cái giá mà EU phải trả cho nhiều yếu kém và sai lầm, chủ quan và ngạo mạn quyền lực cố hữu, trong đó có việc đã không nhanh chóng giải quyết dứt điểm chuyện Brexit mà để dây dưa và rồi cuối cùng bị sa lầy và bế tắc giải pháp như chính phía Anh.

Nước Anh cũng đã phải trả giá đắt cho chuyện Brexit khi mãi không tự thoát được ra khỏi cái mớ bòng bong ấy, khi nền chính trị từ mất ổn định đã chuyển sang thành hỗn loạn và nội bộ xã hội tiếp tục bị phân hoá sâu sắc. Cho dù kịch bản Brexit cuối cùng có là gì đi chăng nữa thì đảo quốc này rồi đây cũng cần nhiều thời gian chứ không thể ít để khắc phục tình trạng ấy. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa rồi, Đảng bảo thủ của bà May bị thất bại thảm hại chưa từng thấy và đảng dân tuý, dân tộc chủ nghĩa chủ trương ly khai nước Anh với EU đã thắng lớn chưa từng thấy.

Đối với cá nhân bà May, cái giá phải trả cho Brexit còn đắt hơn và đau đớn hơn nhiều.

Mùa hè năm 2016, người phụ nữ này trở thành thủ tướng Anh sau khi người tiền nhiệm là David Cameron từ chức. Ông Cameron phải từ chức vì trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit mà ông Cameron cho tiến hành, đa số mong manh cử tri Anh đã ủng hộ Brexit, đã lựa chọn Brexit trong nhận thức đầy đủ là lựa chọn Brexit đồng nghĩa với việc phế truất ông Cameron.

Ở nước Anh vốn luôn không thiếu người nhòm ngó cương vị thủ tướng. Nhưng sau khi ông Cameron từ chức, không có vị nào trong Đảng bảo thủ cầm quyền sẵn sàng nhảy vào cuộc. Họ đều muốn trở thành thủ tướng Anh nhưng đều không muốn xử lý chuyện Brexit vì nó quá khó và quá nhiều rủi ro về chính trị. Vì thế, khi bà May đồng ý kế nhiệm ông Cameron với cam kết thực hiện Brexit - cho dù bản thân là người không ủng hộ Brexit -, cả nước Anh gần như ủng hộ bà May - trong lịch sử nước Anh chưa có thủ tướng nào được tín nhiệm và ủng hộ đến mức độ như vậy. Bà May có được cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Nhưng rồi liên tiếp mắc phải những sai lầm tai hại. Nên cuối cùng đã phải trả giá đắt, rất đắt.

Sai lầm tai hại đầu tiên của bà May là tự định ra "chỉ giới đỏ" cho Brexit trong khi hoàn toàn không cần thiết phải làm vậy. Đó là Brexit trên thế mạnh cho nước Anh, Brexit mà không có nước Anh tham gia vào thị trường nội địa chung cũng như liên minh thuế quan với EU, Brexit mà không nhượng bộ EU trong vấn đề biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland. Brexit kiểu này được những lực lượng chống EU ở Anh tán thưởng nhưng EU không thể chấp nhận.

Sai lầm tai hại tiếp theo của bà May là để cho quốc hội có quyền quyết định cuối cùng về Brexit, cụ thể là quyền phê chuẩn mọi kết quả đàm phán giữa chính phủ Anh và EU về Brexit, trong khi quyền ấy thuộc về chính phủ. Kết quả là bà May bị quốc hội dẫn dắt và việc phê chuẩn Brexit phụ thuộc vào sự đồng thuận quan điểm giữa các phe cánh chính trị trong quốc hội. Trong khi sự đồng thuận quan điểm này không tồn tại thì bà May lại không coi trọng việc dung hoà quan điểm giữa các bên. Người phụ nữ này không muốn thoả hiệp nên không thể gây dựng được sự thoả hiệp trong quốc hội cần thiết để phê chuẩn Brexit.

Sau đấy, bà May phạm sai lầm tai hại tiếp nữa là giải tán quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử mới. Kết quả là Đảng bảo thủ của bà May bị mất đa số trong quốc hội. Từ khi ấy, việc xử lý Brexit trở thành sứ mệnh bất khả thi đối với bà May.

Cho tới khi bà May nhận ra rằng phải thoả hiệp và dung hoà quan điểm thì mọi cái đã trở nên quá muộn. Từ chức không còn có thể tránh khỏi. Bà May không chỉ hiện thân cho Brexit mà còn đi vào lịch sử nước Anh trong tư cách là người thất bại. Ở đây không phải "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" mà là "tiền trách kỷ, hậu trách nhân".