Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lại bản sắc văn hóa của tiếng Việt

Hoàng Lan – Minh Tuệ ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo Kinh tế & Đô thị có loạt 4 bài “Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt”, bạn đọc đã liên tiếp có sự phản hồi bày tỏ bức xúc, yêu cầu chính quyền cũng như hộ kinh doanh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, trả lại bản sắc văn hóa, ngôn ngữ trong biển, bảng quảng cáo và các công trình. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng mong muốn lật tẩy những chiêu trò từ cách đặt tên ngoại để người dân nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất từng dự án đô thị.

 Rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh dựng biển hiệu tiếng nước ngoài nhưng không biết mình đã vi phạm Luật Quảng cáo. Ảnh: Ngọc Tú
Ông Horigome – Công ty GMO-Z.com Runsystem: Có phương án quản lý chặt biển quảng cáo
Tôi đến làm việc tại Việt Nam được 3 năm. Khi mới đến đây, dạo quanh các con phố Linh Lang, Kim Mã, tôi cảm thấy thân thiện như ở quê nhà. Tôi thấy rất thuận lợi vì tìm kiếm dịch vụ dễ dàng, cũng không lo ngại về giá và khác biệt văn hóa. Nhưng nếu bảng quảng cáo chỉ bằng tiếng nước tôi thì chưa hẳn đã hay... Có lần tôi chụp một tấm hình với cửa hiệu tiếng Nhật trên phố, đăng lên trang thông tin cá nhân. Thế là bạn bè cứ hỏi chỗ nào vì tưởng tôi chụp trong nước. Chính vì vậy, theo tôi, Việt Nam nên có những phương án quản lý chặt chẽ hơn với biển, bảng quảng cáo, vì cảnh quanh khu phố chính là bản sắc văn hóa của quốc gia.
Biển quảng cáo ở Nhật Bản dù có thể hiện sự thoải mái trong phong cách thiết kế thì vẫn phải tuân thủ những quy định về không gian đô thị và chuẩn mực thiết kế. Nhiều khu vực tại Nhật Bản cũng quy định về việc lắp đặt biển quảng cáo như nào để phù hợp với cảnh quan của cả khu phố. Mỗi khu vực trong trung tâm các TP lớn như Tokyo hay Osaka đều có một chủ đề quảng cáo riêng, phụ thuộc vào mặt hàng và dịch vụ kinh doanh của cả khu vực. Do vậy, sẽ không có sự sắp đặt lộn xộn khi tất cả biển quảng cáo đều hướng người xem tới một dịch vụ hay sản phẩm đặc trưng của khu vực. Chính những biển quảng cáo như vậy đã tạo nên màu sắc riêng không trộn lẫn vào đâu của Nhật Bản.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: Lửng lơ ngoài vòng quản lý
Việc đặt tên nước ngoài là đánh tráo khái niệm và làm cho giá trị đích thực của ngôn ngữ bị hiểu sai đi. Ví dụ, khái niệm từ Eco nếu hiểu đúng là hệ sinh thái thân thiện giữa con người và môi trường, là định vị lại cuộc sống như một mắt xích trong vòng tuần hoàn chung. Thế nhưng, ngày nay chữ Eco được sử dụng tràn lan và dễ dãi trong dự án. Bản chất chữ Eco đã bị xuyên tạc.
Bởi vì, việc đánh dời các cây cối hay thảm thực vật vốn nằm trong hệ sinh thái khác lắp đặt vào hệ sinh thái mới một cách cưỡng ép là sai về khái niệm Eco. Hành động này đã hủy hoại hệ sinh thái chứ không phải sinh ra hệ sinh thái. Chưa kể, với các dự án này là thiên đường của những người trục lợi, làm giàu từ dự án. Trong khi người dân sở tại trước khi có dự án bị mất đất, mất nguồn thu, xét theo tính chất này thì ý nghĩa của Eco rõ ràng đã bị đánh tráo. Với lý do này, thậm chí giờ người ta không dám dùng từ Eco để miêu tả hệ sinh thái nữa.
Các dự án đô thị có tên riêng như thế mang mục đích thương mại thì có nghĩa là quảng cáo nên phải chịu sự ràng buộc của Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, các dự án này khi đặt tên không cần hỏi ý kiến Bộ VHTT&DL, không có yêu cầu tên tiếng Anh phải viết nhỏ hơn tên tiếng Việt… Đó là lỗ hổng của Luật. Để giảm thiểu các tên gọi mang tính ngoại lai, những khái niệm đánh tráo thì cần phải điều chỉnh bằng các quy định của Luật Quảng cáo. Nếu gạt ra khỏi quy định thì sẽ không có công cụ để điều chỉnh.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Coi thường chữ viết dân tộc là phản văn hóa
Tất cả các quốc gia đều có ngôn ngữ riêng. Khi đi du lịch sang quốc gia khác mà thấy quốc gia ấy cũng có ngôn ngữ, chữ viết riêng nhưng lại quảng cáo bằng thứ ngôn ngữ của quốc gia khác sẽ làm cho du khách thiếu tôn trọng chính người bán hàng bản địa. Còn đối với người trong nước, việc quảng cáo bằng tiếng nước ngoài tràn lan là sự đau buồn của một dân tộc. Bởi chúng ta có chữ viết và ngôn ngữ mà phải dùng ngôn ngữ nước ngoài để quảng cáo. Các cửa hàng có ý định kinh doanh chỉ dành cho người nước ngoài vẫn có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Như vậy sẽ vừa thuận lợi cho người Việt cần mua quà tặng nào đó vừa là sự tôn trọng chính bản thân khách hàng, dù là người nước ngoài hay trong nước. Nếu coi thường ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc, vì lợi ích kinh doanh mà bất chấp thì rất phản văn hóa.
Khánh Ly - chủ cửa hàng Khanh Ly Nails (Nguyễn Khang, Cầu Giấy): Xử lý đồng thời tất cả vi phạm
Tôi mở hàng làm móng từ năm 2014. Tại khu vực này, nhiều du khách là người Hàn Quốc nên bên cạnh biển hiệu có chữ tiếng Việt, tiếng Anh thì cửa hiệu của tôi dùng cả tiếng Hàn. Mình làm ngành dịch vụ, cái gì tiện nhất cho “thượng đế” thì phải chiều. Quảng cáo bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của khách vừa bắt mắt, thuận lợi mà hiệu quả cao. Tuy nhiên, sau khi đọc bài báo có thông tin về những con phố biển hiệu quảng cáo chỉ có tiếng Hàn, tôi cũng giật mình về những suy nghĩ đơn giản khi đặt biển hiệu của mình. Tôi thấy rằng, phục vụ “thượng đế” nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích “ba trong một” giữa kinh doanh, du lịch và văn hóa là việc không dễ.
Tuy nhiên, một trong những lý do tôi vô tư dựng biển chữ tiếng Hàn, tiếng Anh là vì nhìn các hộ kinh doanh trong khu phố cũng làm như vậy. Lúc thực hiện đăng ký kinh doanh, không ai hướng dẫn cho tôi là phải làm biển, bảng quảng cáo chữ như thế nào. Chỉ đôi lần khi mới mở cửa hàng, cán bộ trật tự đô thị nhắc nhở về kích cỡ biển không được dựng quá to, vượt quá tầng mặt tiền căn nhà. Chính vì vậy, theo tôi, để tránh việc các hộ kinh doanh phải dựng di dựng lại biển quảng cáo, tốn kém, ngay từ lúc đăng ký kinh doanh, các phòng có liên quan cần giải thích với các hộ kinh doanh về Luật Quảng cáo.
Thật ra, điều quan trọng không phải là chăm chăm xử phạt, mà cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, đảm bảo tính công bằng thì nên yêu cầu chỉnh sửa tất cả các biển bảng sai quy định ngôn ngữ; đừng để hộ này phải chỉnh, hộ kia cho tồn tại, các cơ sở kinh doanh sẽ không tâm phục khẩu phục mà chấp hành.