Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trách nhiệm hơn với an toàn thực phẩm

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, sau 7 năm thực hiện “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP)” Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong hoạt động này bởi cách làm hiệu quả, sáng tạo và chủ động.

Thực tế hiện nay, Công tác quản lý ATTP của Hà Nội hiện nay đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các huyện ngoại thành Hà Nội đã tích cực thúc đẩy những vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm.

“Tháng hành động vì ATTP” năm nay có mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Qua đó, trong quý I/2022, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 6 đoàn thanh kiểm tra, kiểm tra 40 cơ sở, xử lý vi phạm 15 cơ sở (tổng số tiền phạt: 779.109.650 đồng), lấy 8 mẫu xét nghiệm tại labo (kết quả: 6/8 mẫu đạt). Chi cục ATVSTP đã cấp 223 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, nhận mới 290 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, đang xử lý 65 hồ sơ, cấp 162 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tiếp nhận 2.311 bản tự công bố sản phẩm ngành y tế quản lý trên hệ thống dịch vụ công.

Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Thủ đô cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Sản xuất và chăn nuôi của Hà Nội cần ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Tháng hành động vì ATTP” diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và 11 địa phương đăng cai SEA Games 31 (từ 12/5 đến 23/5). Có khoảng 10.000 huấn luyện viên, vận động viên, quan chức thể thao, trọng tài, nhà báo quốc tế và cổ động viên sẽ có mặt tại Việt Nam. Kỳ đại hội này sẽ không xây dựng làng vận động viên, các đoàn tham dự sẽ ở tại các khách sạn gần khu vực thi đấu nên công tác đảm bảo ATTP cũng được 11 đoàn thể thao quan tâm. Điều này buộc cơ quan quản lý, người dân Thủ đô phải ý thức hơn nữa trách nhiệm của mình để chung tay hỗ trợ Ban tổ chức làm tốt công tác đảm bảo ăn, ở cho bạn bè quốc tế. "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" được chọn làm khẩu hiệu chính thức cho kỳ đại hội này và làm tốt kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì ATTP” chính là nhiệm vụ của Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung.