Do tài xế container không làm chủ tốc độ?
Ngày 6/3, Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Lê Văn Tân (SN 1985, trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là tài xế container) để tiếp tục điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Trước đó, vào 1h36 ngày 5/3, tại km151 - QL2 thuộc thôn Đồng Cầu, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng.
Vào thời điểm trên, ô tô khách tuyến cố định Hà Giang đi Hà Nội biển số 23F-000.xx chạy theo hướng Hà Giang - Tuyên Quang, xảy ra va chạm với ô tô container chở lạc từ Hải Phòng đi Hà Giang BKS 15C-075.xx, kéo theo rơ-moóc biển số 15R-008.xx.
Theo Cục CSGT, vụ tai nạn khiến 5 người chết tại chỗ (gồm 2 nam, 3 nữ), 5 người khác bị thương (trong đó có lái xe khách), 2 phương tiện hư hỏng nặng. Qua kiểm tra nhanh với 2 tài xế ô tô, cả 2 không có cồn, các điều kiện về người và phương tiện đảm bảo.
Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông và tiến hành các hoạt động tố tụng khác theo quy định của pháp luật để làm rõ nội dung vụ việc và người vi phạm.
Cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng là do tài xế Lê Văn Tân lái xe container đi đến đoạn đường cong, không làm chủ tốc độ đánh lái sang trái, dẫn đến va chạm với xe khách đi chiều ngược lại.
Đặc biệt, qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, xe container chỉ lưu dữ liệu hành trình đến 23h51 ngày 4/3. Như vậy, thời điểm xảy ra tai nạn, dữ liệu hành trình của xe container không truyền về Cục Đường bộ Việt Nam.
Tài xế container đối diện với mức phạt kịch khung
Liên quan đến vụ tai nạn trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Cty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, dữ liệu giám sát hành trình rất quan trọng. Thiết bị giúp kiểm tra tốc độ, vị trí xe đang chạy. Nó giống như hộp đen trong các máy bay, giúp xác định nguyên nhân, đôi khi minh oan cho tài xế trong nhiều trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Do đó, việc lắp, kết nối thiết bị giám sát hành trình là quy định bắt buộc đối với các xe kinh doanh vận tải. Theo đó, tại điểm c khoản 5 Điều 24, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe kinh doanh vận tải hàng hóa có gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng thiết bị không hoạt động hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của ô tô.
Điểm a khoản 9 Điều 24, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng viện dẫn, điểm a khoản 3 Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Với hậu quả 5 người tử vong, tài xế container có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc nhất.
Ngoài ra, theo nữ chuyên gia pháp lý này, pháp luật quy định, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy tắc để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Vì thế, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài trách nhiệm hình sự, tài xế container phải có trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự như: chi phí mai táng; chi phí chữa trị đối với những người bị thương; chi phí sửa chữa bồi thường thiệt hại về tài sản; chi phí thu nhập thực tế bị mất bị giảm sút; chi phí bồi thường tổn thất về mặt tinh thần với trường hợp bị thương…