Áp dụng Luật Thủ đô
Tại Khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo ông Đặng Đình Luyến, việc quy định như Dự thảo Luật nêu trên là sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thì các luật, Bộ luật, Nghị quyết của Quốc hội được ban hành có những quy định liên quan đến Thủ đô mà khác với quy định trong Luật Thủ đô thì không áp dụng và chỉ áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 này.
Việc quy định như vậy là không phù hợp, không đáp ứng với yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành VBQPPL là: “Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau”. Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý Cơ quan soạn thảo sửa lại quy định khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật để đáp ứng với yêu cầu của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPL).
Tại Khoản 2 Điều 4 quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của Luật này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất”.
Ông Đặng Đình Luyến cho rằng, theo quy định Khoản 2 nêu trên thì khi có VBQPPL, bao gồm VBQPPL của Quốc hội cho đến VBQPPL của UBND cấp xã, phường có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của Luật Thủ đô thì áp dụng quy định của văn bản đó mà không áp dụng quy định của Luật Thủ đô.
Việc quy định như vậy của dự thảo Luật là không phù hợp với quy định khoản 2 Điều 156 của Luật BHVBQPPL là: “Trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, ông Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa quy định khoản 2 Điều 4 nêu trên để phù hợp với yêu cầu của Luật ban hành VBQPPL.
Trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô
Khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật quy định: “Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước”.
Theo ông Đặng Đình Luyến, việc quy định như dự thảo luật về “xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô” chỉ giao cho các cấp chính quyền và Nhân dân Thủ đô là chưa đầy đủ, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 111 của Hiến pháp thì “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Và theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, thì Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, nơi không tổ chức HĐND thì chỉ có UBND.
Như vậy, theo quy định của Dự thảo Luật nêu trên thì chỉ có HĐND và UBND hoặc nơi nào không tổ chức HĐND thì chỉ có UBND mới có nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; còn Đảng bộ các cấp, các cơ quan khác không thuộc HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội,… các cấp của Thủ đô Hà Nội không phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Ông Đặng Đình Luyến góp ý Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại quy định khoản 1 Điều 5 nêu trên về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Về quy định hiệu lực của Luật trở về trước
Tại Khoản 3 Điều 59 của dự thảo Luật quy định: “Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Thành phố và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô được phê duyệt hoặc ký hợp đồng trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa hưởng các ưu đãi theo pháp luật hiện hành thì được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật này.”.
Ông Đặng Đình Luyến cho rằng, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân có hiệu lực trở về trước cần căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật BHVBQPPL là “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại quy định khoản 3 Điều 59 của dự thảo Luật nêu trên để phù hợp với quy định khoản 1 Điều 152 của Luật ban hành VBQPPL.