70 năm giải phóng Thủ đô

Trải nghiệm "du lịch miệt vườn" phía Bắc với tour Hà Nội- Lục Ngạn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 19/4, Công ty CP khai thác và dịch vụ du lịch SGO (SGO Travel) và huyện Lục Ngạn đã tổ chức buổi khảo sát xây dựng tuyến du lịch Hà Nội- Bắc Giang

 

Du khách thăm quan vườn cây vải thiều Lục Ngạn tại Khu du lịch cộng đồng Quý Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan vườn cây vải thiều Lục Ngạn tại Khu du lịch cộng đồng Quý Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: Hoài Nam

Bắc Giang là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp nhưng lâu nay rất ít được khai thác. Với lợi thế gần Hà Nội, các cung đường di chuyển thuận lợi, việc liên kết với doanh nghiệp du lịch tổ chức tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang có thể tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn hút khách.

Với “tour Hà Nội - Lục Ngạn” trải nghiệm thiên nhiên, miệt vườn, làng nghề được thiết kế đi trong ngày sẽ biến Bắc Giang trở thành một “miệt vườn du lịch” của miền Bắc. Tại đây, du khách được đắm mình giữa thiên nhiên hoang sơ của hồ Khuôn Thần, hồ Bầu Lầy, hay hồ Cấm Sơn trên những chiếc thuyền hơi đã được chuẩn bị sẵn.

Du khách trải  nghiệm chèo thuyền tại hồ Bầu Lầy (huyện Lục Ngạn-Bắc Giang). Ảnh: Hoài Nam
Du khách trải  nghiệm chèo thuyền tại hồ Bầu Lầy (huyện Lục Ngạn-Bắc Giang). Ảnh: Hoài Nam

Trải nghiệm thú vị nhất là khách sẽ được khám phá các vườn quả theo mùa (vườn vải thiều, cam canh, bưởi diễn, vườn táo xuân, vườn thanh long…) thu hoạch hoa, quả.... Sau đó, du khách sẽ ghé thăm các cơ sở sản xuất mỳ Chũ nổi tiếng, mua về làm quà sau chuyến đi.

Giám đốc Hợp tác xã du lịch Đồng Giao Hoàng Văn Hiệp cho biết, thông qua việc tổ chức tour đưa du khách trong nước, quốc tế tới huyện Lục Ngạn sẽ giúp người dân quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản, trái cây… qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Tuy nhiên, để hoạt động truyền thông quảng bá đòi hỏi chính quyền địa phương cần nâng cập hạ tầng cơ sở phục vụ du khách. “Để nghị UBND huyện Lục Ngạn lắp đặt hệ thống  Internet vào các trang trại trông trọt cây ăn quả để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, điểm đến trên các trang mạng xã hội. Khách du lịch có thể tra cứu tìm hiểu điểm đến trước khi sử dụng tour của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ”-ông Hiệp kiến nghị.

Du khách thăm quan trải nghiệm cách làm mỳ Chũ tại xã Nam Dương (Lục Ngạn-Bắc Giang)-Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan trải nghiệm cách làm mỳ Chũ tại xã Nam Dương (Lục Ngạn-Bắc Giang)-Ảnh: Hoài Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch SGO Travel Phùng Quang Thắng thông tin, để thu hút du khách đến Bắc Giang, doanh nghiệp đã xây dựng gói sản phẩm bao gồm các tour trong ngày và tour 2 ngày 1 đêm, mang đến trải nghiệm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, thắng cảnh thiên nhiên, làng nghề… và nhiều điều thú vị khác tại các huyện Yên Thế, Việt Yên, Lục Ngạn, Sơn Động… (Bắc Giang).

Những tour du lịch này không chỉ cho du khách Hà Nội, mà còn cho du khách quốc tế khi lưu trú tại Hà Nội bao gồm cả chuyên gia đang sinh sống tại Hà Nội, Bắc Giang và cả những du khách quốc tế đi du lịch thuần túy.

“Tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang được kỳ vọng sẽ tạo được sức bật cho du lịch Bắc Giang, tuy nhiên để thu hút khách đòi hỏi thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tăng cường hoạt động liên kết với các địa phương và các đơn vị lữ hành tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm mới, thu hút du khách nhiều hơn. Điều mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là giúp địa phương quản lý điểm đến, phát triển thương hiệu du lịch Bắc Giang, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường quảng bá xúc tiến”-ông Thắng nhấn mạnh.