Nhiều dấu ấn đặc biệt
Thông tin của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong năm 2023, Hà Nội thu hút 2,85 tỷ USD vốn FDI (tăng 61% so với cùng kỳ). Trong đó có 378 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 371,4 triệu USD; 168 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 293,7 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu 16,72 tỷ USD.
Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, TP Hà Nội đã đón được 24 triệu lượt du khách, tăng 27% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.
Có được thành công này, một phần nhờ vào việc Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Cụ thể, trong năm 2023, TP Hà Nội đã triển khai 189 hoạt động, chương trình xúc tiến trong nước và quốc tế. Nhiều hoạt động đã được đổi mới phù hợp thực tế, qua đó hỗ trợ kịp thời cho các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, mở ra cơ hội kết nối mới cho DN Hà Nội và các đối tác quốc tế tiềm năng.
“Tháng 8/2023, TP Hà Nội tổ chức đoàn xúc tiến thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu hàng hóa tại Pháp. Thông qua hoạt động này, DN Hà Nội đã giới thiệu sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch; giao thương, kết nối qua đó đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp và EU” - ông Nguyễn Ánh Dương nêu ví dụ.
Đánh giá những lợi ích mà hoạt động xúc tiến của TP Hà Nội mang lại cho DN, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nêu rõ, một số chương trình xúc tiến của Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối với các địa phương.
Thông qua hoạt động xúc tiến, Hà Nội không chỉ hỗ trợ DN Thủ đô mà còn hỗ trợ DN các tỉnh, TP trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, TP; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...
“Thông qua hoạt động xúc tiến, TP Hà Nội giúp cho các DN có cơ hội tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu... góp phần giảm bớt khó khăn” - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Cần đổi mới hoạt động xúc tiến
Theo các chuyên gia kinh tế, dù hoạt động xúc tiến đã hỗ trợ DN phát triển sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình triển khai những hoạt động này chưa đồng đều, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế có tính chất định kỳ, thường niên.
Thông tin về những khó khăn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hoạt động xúc tiến do nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến dàn trải, chưa đi vào chiều sâu nên việc kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến còn hạn chế, bởi trên địa bàn TP Hà Nội chưa có trung tâm hội chợ, triển lãm có quy mô lớn dẫn đến việc tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế gặp nhiều khó khăn, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm Hà Nội.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập này, trong năm 2024, TP Hà Nội đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Bên cạnh đó, tập trung vào các thị trường, quốc gia trọng điểm, tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của TP Hà Nội. Chú trọng, tăng cường thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, TP Hà Nội cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Dưới góc độ cơ quan chuyên trách tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú đề xuất thời gian tới TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và phát huy vai trò là trung tâm kết nối của vùng, tiên phong triển khai các phương thức xúc tiến hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để tiếp tục phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của các sở, ngành TP, thời gian tới, HPA cần phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành TP Hà Nội nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, gắn với sự kiện lớn của TP.
“Đồng thời, các sở, ngành cần tham mưu cho TP về kịch bản phát triển, thu hút xúc tiến trong năm 2024. Ngoài ra, cần rà soát kỹ các nội dung trọng tâm, trọng điểm, các sự kiện tổ chức cấp TP. Bên cạnh đó, phối hợp với các quận, huyện, thị xã để tạo mọi điều kiện cho người dân được thụ hưởng lợi ích mà hoạt động xúc tiến mang lại” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.