Mặt bằng cản tiến độ
Theo phê duyệt của Bộ GTVT, mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau gồm 36 trạm. Trong đó, có 12 trạm đã đưa vào vận hành và đang đầu tư, còn 24/36 trạm chưa đầu tư. Trong năm 2024, Cục đường bộ đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư được 8 trạm thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 trạm); Phan Thiết - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, 13 trạm thuộc các dự án thành phần giai đoạn 2 đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (trạm Km 15+620 và trạm Km 77+820), Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Theo kế hoạch, 8 trạm dừng nghỉ giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe) trước ngày 31/12/2024 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025 để đồng bộ toàn tuyến.
Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt bằng, hiện nay trong số 8 trạm đã lựa chọn được nhà đầu tư, chỉ có 2/8 trạm đã và đang triển khai thi công là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Dự kiến 2 trạm này sẽ hoàn thành một phần công trình dịch vụ công thiết yếu trước tết Nguyên đán. Đối với 6/8 trạm còn lại nhà đầu tư đang phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu.
Theo Đại diện Cục đường cao tốc Việt Nam, hiện nay các địa phương chỉ bàn giao được 3/8 trạm (tháng 10/2024 và tháng 12/2024), còn 2/8 trạm mới có mặt bằng một phần, 3/8 trạm chưa có mặt bằng. Do vậy, việc thi công không thể hoàn thành các dịch vụ thiết yếu trước tết Nguyên đán 2025.
Để giải quyết tình thế trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết, Cục đường cao tốc Việt Nam đã tham mưu Bộ GTVT ban hành Công điện số 59 ngày 20/12/2024 chỉ đạo các nhà đầu tư tiếp quản các trạm tạm trước đây và bổ sung 1 trạm tạm mới, hoàn thành trước ngày 20/1/2025.
Bộ GTVT yêu cầu việc vận hành các trạm dừng nghỉ tạm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện ra vào trạm, đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ theo quy định.
Như vậy, cùng với 5 trạm tạm đang khai thác, sẽ thêm 2 trạm có một phần công trình thiết yếu và bổ sung thêm 1 trạm tạm tại dự án Nghi Sơn - Diễn Châu. Đến Tết Nguyên Đán 2025 sẽ có tổng số 8 trạm dừng nghỉ tạm với khoảng cách trung bình khoảng 60km/trạm. Khoảng cách này được đánh giá là cơ bản đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của lái xe trên hành trình.
Tháo gỡ khó khăn
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, năm 2024 Bộ GTVT đã có nhiều văn bản và công điện gửi các địa phương để phối hợp trong giải phóng mặt bằng đầu tư trạm dừng nghỉ; Cục đường bộ Việt Nam cũng nhiều lần làm việc với các địa phương để giải quyết khó khăn vướng mắc, tuy nhiên, công tác triển khai vẫn chậm. Nguyên nhân do các tỉnh chưa thể ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024, chưa ban hành được các bảng giá đất. Theo kế hoạch của các địa phương dự kiến sẽ cơ bản bàn giao trong quý I/2025.
Để tháo gỡ bất cập mặt bằng, đại diện Cục đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ phối hợp với địa phương vận động người dân đồng thuận để sớm bàn giao. Trong đó, tính đến phương án đề nghị nhà đầu tư tạm ứng trước tiền tạm ứng giải phóng mặt bằng cho địa phương để chi trả cho người dân. Hiện nay, việc tạm ứng cũng đã được thực hiện tại Trạm Km 205+092 thuộc dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Đối với việc hiện chưa có quy định cụ thể về việc thi công và đấu nối các trạm tạm vào cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam đang họp với các cơ quan đơn vị và hướng dẫn các Ban QLDA và nhà đầu tư về các thủ tục đấu nối các trạm tạm đảm bảo an toàn, phục vụ được nhu cầu của người tham gia giao thông.
Liên quan đến việc tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư 13 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2, do ngày 16/9/2024, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, nên 13 trạm dừng nghỉ này đã hủy thông báo mời thầu cũ, cập nhật hồ sơ mời thầu theo thông tư mới.
Đến nay, đã mở thầu 8 trạm, 3 trạm đang xử lý tình huống gia hạn thêm 10 ngày do có ít hơn 3 nhà đầu tư tham dự; 2 trạm đang xử lý tình huống gia hạn thêm 30 ngày do không có nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc không chỉ giải quyết nhu cầu bức thiết như ăn, nghỉ, vệ sinh của người tham gia giao thông trên đường, mà việc đầu tư trên các tuyến đường bộ cao tốc, trạm dừng nghỉ đầy đủ tiện nghi là hạng mục thiết yếu giúp phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi, thu hút người tham gia giao thông lựa chọn tuyến đường. Qua đó, phát huy hiệu quả khai thác công trình, góp phần thúc đẩy hoàn vốn dự án, tối ưu bài toán đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) các dự án giao thông.
Rút kinh nghiệm của 8 trạm đang chậm triển khai, các Ban QLDA cũng cần phối hợp với địa phương có phương án để sớm hoàn thành mặt bằng của 13 trạm dừng nghỉ còn lại để có thể sớm bắt tay đầu tư.
Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư trúng thầu mà đặc thù là DN Nhà nước, phải thực hiện thủ tục đấu thầu rộng rãi thì cần có phương án linh hoạt, phù hợp để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, tránh việc thủ tục kéo dài khiến việc đầu tư xây dựng bị trượt tiến độ.