Trăn trở giữ nghề làm thuốc Nam

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Nằm dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) là địa bàn duy nhất của Hà Nội có người Dao sinh sống tập trung. Bao đời nay, nghề thuốc Nam được xem là nguồn sinh kế quan trọng mang lại thu nhập cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Dù vậy, cuộc mưu sinh dựa vào những bài thuốc cổ truyền của người Dao đang đứng trước nhiều thách thức.

Khá giả nhờ những bài thuốc cổ truyền

Con đường xuyên qua những tán rừng xanh mát dẫn chúng tôi về với bản người Dao ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) - nơi được xem là cái nôi của nghề thuốc Nam. Sau gần 15 năm hợp nhất về với Thủ đô, hạ tầng giao thông nơi đây đã được đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của đồng bào các dân tộc.

Nguồn dược liệu thuốc Nam tại xã Ba Vì đang ngày một cạn kiệt.
Nguồn dược liệu thuốc Nam tại xã Ba Vì đang ngày một cạn kiệt.

Trong ngôi nhà mái bằng khang trang, nghệ nhân Dương Thị Hiến nhanh tay bốc thuốc cho mấy vị khách từ nội thành Hà Nội ghé thăm. Nghệ nhân Dương Thị Hiến chia sẻ, hàng ngày, chồng và hai người con lên rừng hái lá thuốc, bà ở nhà chế biến, bốc thuốc cho khách thập phương. Quanh năm tất bật với nghề, thành quả của gia đình nhận về sau nhiều năm là căn nhà mái bằng khang trang, rộng rãi.

Không chỉ có gia đình nghệ nhân Dương Thị Hiến khá giả nhờ nghề bốc thuốc Nam, giờ đây, đến thôn Yên Sơn, người ta sẽ dễ dàng bắt gặp những nếp nhà mái bằng thay thế dần những ngôi nhà cấp 4. Phần lớn là nhờ thu nhập từ nghề thuốc Nam truyền thống được gìn giữ qua hàng trăm năm.

Theo ông Lý Văn Phủ - người có uy tín ở thôn Yên Sơn, diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn thôn rất hạn chế; hộ nào nhiều đất thì được 1 - 2 sào, ít có khi chỉ vài ba thước. Cũng bởi vậy, thu nhập của phần lớn đồng bào dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn phụ thuộc vào nghề thuốc Nam.

Ở xã Ba Vì, ngoài thôn Yên Sơn, hiện nay tại hai thôn còn lại là Hợp Sơn và Hợp Nhất, đồng bào dân tộc Dao cũng phát triển rất mạnh nghề cây thuốc Nam. Nhờ chịu khó làm ăn, kinh tế của nhiều gia đình ngày một được cải thiện; không ít hộ đồng bào trong thôn đã có “của ăn của để”.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết: Cây thuốc Nam đã mang lại thu nhập, giúp không ít gia đình đồng bào dân tộc Dao thoát nghèo. Tính đến đầu năm 2022, toàn xã chỉ còn 11 hộ nghèo (chiếm 1,8% tổng số hộ dân). Từ năm 2019, xã Ba Vì đã không còn nằm trong nhóm thôn xã đặc biệt khó khăn của cả nước.

Nỗi lo cạn kiệt nguồn nguyên liệu

Trong dòng chảy của thời gian, nghề thuốc Nam của người Dao ở xã Ba Vì cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Nghệ nhân Dương Thị Bình, năm nay 75 tuổi nói, bản thân đã gắn bó với nghề thuốc Nam từ năm 11 - 12 tuổi. Trước năm 1996, nguồn dược liệu rất phong phú, dồi dào. Bà con cứ lên rừng là bài thuốc gì cũng có.

Vợ chồng chị Triệu Thị Duyến (thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì) chế biến cây thuốc Nam thành sản phẩm dạng cao. Ảnh: Lâm Nguyễn
Vợ chồng chị Triệu Thị Duyến (thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì) chế biến cây thuốc Nam thành sản phẩm dạng cao. Ảnh: Lâm Nguyễn

Thế nhưng sau thời gian dài bị khai thác, nhiều loại cây thuốc suy giảm về số lượng. Nhiều cây thuốc nay cũng không còn được tìm thấy nữa. Năm 1996, Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên. Cũng kể từ đó, đồng bào dân tộc Dao không còn được tự do vào rừng tìm kiếm, khai thác cây thuốc như trước.

Bí thư Chi bộ thôn Hợp Sơn Dương Trung Thân cho biết, từ những năm 1990, khi “hạ sơn quần cư”, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao các thôn bản đã cố gắng nhân trồng các loại dược liệu. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế nên năng suất và chất lượng của cây thuốc mang lại không cao.

“Một bộ phận người dân làm nghề thuốc Nam tại xã Ba Vì phải ngày ngày lặn lội đường xa, tìm đến những tỉnh, thành khác như Hòa Bình, Phú Thọ, thậm chí là Lạng Sơn, Hà Giang để tìm kiếm thảo dược cho các bài thuốc truyền thống…” - ông Thân chia sẻ.

Cùng với nỗi lo vùng nguyên liệu ngày một cạn kiệt, thực tế hiện nay tại xã Ba Vì, những người còn theo nghề thuốc Nam chủ yếu là nghệ nhân đã có tuổi. Trong khi thế hệ trẻ được học hành đến nơi đến chốn, đều cố gắng tìm kế sinh nhai ở những chốn đông đúc, khu, cụm công nghiệp. Đơn cử như gia đình nghệ nhân Dương Thị Bình ở thôn Hợp Sơn, có 8 người con nhưng đến nay không còn ai theo nghề thuốc Nam.

Thực tế, nghề thuốc Nam của người Dao nơi đây cũng chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế, nhất là các DN tham gia. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế. Việc buôn bán, kinh doanh thuốc Nam vẫn chủ yếu là tự phát, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững nên giá trị mang lại chưa tương xứng...

Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ

Trước những khó khăn, thách thức đe dọa sự mai một của nghề thuốc Nam truyền thống, đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Tản Viên đang cố gắng từng bước thay đổi để thích ứng. Theo nghệ nhân Triệu Thị Chính, hiện ở cả 3 thôn, thay vì bốc lá thuốc, nhiều hộ đã chuyển sang nấu cao để bán. Điều này mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Với sự hỗ trợ của các sở, ngành TP Hà Nội và huyện Ba Vì, đến nay các hộ dân đều đã biết đóng gói bao bì, in nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số nghệ nhân đã tiếp cận được với các kênh bán hàng trực tuyến (online), livestream và liên kết với các nhà thuốc để đưa sản phẩm thuốc Nam (chủ yếu là dạng cao) vào tiêu thụ…

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, tháng 12/2013, làng nghề thuốc Nam của dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

Đến năm 2021, hai thôn còn lại là Hợp Sơn và Hợp Nhất cũng được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống thuốc Nam của người Dao. Dù vậy, từ đó đến nay, việc phát triển làng nghề chủ yếu vẫn do đồng bào… tự thân vận động.

Để phát triển nghề cây thuốc Nam, theo ông Lăng Văn Hà, Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ đất canh tác và kỹ thuật sản xuất để bà con có thể bảo tồn, nhân rộng những giống cây thuốc Nam quý hiếm, có nguy cơ cạn kiệt.

Ông Hà cũng cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Ba Vì mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Không chỉ mở rộng giao lưu cho đồng bào dân tộc nơi đây mà thông qua dịch vụ du lịch, sẽ có ngày càng nhiều người dân biết đến những bài thuốc quý cổ truyền. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị cây thuốc Nam của người Dao.

Liên quan đến phát triển nghề thuốc Nam truyền thống của người Dao, Trưởng ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, vừa qua TP đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, khoảng 2.150 tỷ đồng sẽ được TP bố trí để thực hiện 9 nhóm giải pháp.

Một trong những nội dung trọng tâm được TP nêu trong kế hoạch là “phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch; củng cố, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.

Bên cạnh đó, khoảng 1.500 tỷ đồng cũng sẽ được Hà Nội bố trí để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao dưới chân núi Tản Viên. Đây sẽ là trợ lực cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị bền vững cho nghề thuốc Nam của người Dao.

 

"Dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong bảo tồn và phát triển, tuy nhiên, xã Ba Vì xác định nghề thuốc Nam vẫn sẽ là lĩnh vực kinh tế quan trọng nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ những tổ chức, cá nhân mở rộng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến cây thuốc Nam nhằm tạo ra những sản phẩm tiện lợi, phù hợp thị hiếu tiêu dùng và đòi hỏi của thị trường. Từ đó góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Dao." - Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Dương Trung Tuấn