Chú trọng sản xuất an toàn
Nhiều năm về trước, kinh tế của hộ gia đình chị Dương Thị Liên ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn) trông vào 2 sào canh tác khoai, sắn, nhưng giá trị mang lại không cao. Khoảng 3 năm trở lại đây, chị Liên chuyển sang trồng cây chè theo hướng an toàn. Hiện, mỗi tháng chị thu hoạch được khoảng 30kg lá chè tươi.
Nhằm nâng cao giá trị cho cây chè, chị Liên “bắt tay” cùng Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Bắc Sơn để sơ chế, đóng gói sản phẩm chè. Từ những lá chè tươi xanh, HTX đã hoàn thiện, tạo ra sản phẩm chè khô, có bao bì, nhãn mác, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, giá trị mang lại từ những lá chè tươi cho những nông dân như chị Liên cũng lớn hơn.
Hộ chị Liên hiện là một trong tổng số 30 thành viên của HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn. Kể từ khi thành lập, HTX đã quy tụ những nông dân trồng chè nơi mảnh đất vùng đồi gò để chuẩn hoá sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP. Trong số này, diện tích chè canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX là khoảng 3ha, còn lại là chè sản xuất theo hướng an toàn.
Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết, với kỹ thuật chăm sóc ngày một được cải tiến, HTX thu được khoảng 5 tấn chè tươi/ha, tương ứng khoảng 1 tấn chè khô sau quá trình sơ chế. Giá trị kinh tế thu được từ mỗi héc-ta canh tác chè của bà con nông dân nơi đây vào khoảng 250 - 300 triệu đồng.
“Sản phẩm chè của HTX được sơ chế, đóng gói, có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, sản phẩm đã được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng 4 sao trong Chương trình OCOP nên việc tiêu thụ không chỉ thuận lợi mà giá cả cũng tốt hơn…” – bà Đào Thị Quý chia sẻ.
Giá trị kinh tế chưa tương xứng
Việc liên kết phát triển cây chè nơi vùng đất đồi gò mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, phát triển vùng chè nơi đây theo hướng hàng hoá vẫn đang là bài toán đối với chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Đặng Xuân Thụy cho biết, toàn xã hiện có khoảng 250ha chè, nhưng diện tích canh tác theo chuỗi liên kết với HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn mới khoảng 15ha. Phần lớn các nông hộ vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
“Dù đã được cấp nhãn hiệu tập thể ‘'Chè an toàn Bắc Sơn'’ từ năm 2015, tuy nhiên việc tiêu thụ chủ yếu là bán sản phẩm thô cho các thương lái từ tỉnh Thái Nguyên. Điều này khiến giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng…” – ông Đặng Xuân Thụy thẳng thắn nhìn nhận.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, xã Bắc Sơn là vùng canh tác chè lớn nhất của huyện. Thời gian qua, chính quyền các cấp đã hỗ trợ HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Ngoài ra còn cấp miễn phí tem nhãn, giới thiệu HTX tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm chè do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức.
Về lâu dài, ông Hoàng Chí Dũng cho biết địa phương sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích giống chè mới thay thế những nương chè giống cũ. Nhân rộng diện tích thâm canh chè theo hướng an toàn, VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Bên cạnh đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá, thâm canh vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, huyện cũng khuyến khích HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn, bà con nông dân nhân rộng các mô hình liên kết, tiến tới hạn chế tối đa việc tiêu thụ sản phẩm chè thô, tăng cường sơ chế, chế biến sản phẩm tinh nhằm gia tăng giá trị kinh tế từ những nương chè.