Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trần Văn Giáp - nhà thư tịch học, thư mục học Việt Nam xuất sắc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần Văn Giáp (1902 - 1973) là một trí thức tân học, được đào tạo ở Pháp, phần lớn thời gian làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) - một cơ quan khoa học của Pháp, nhưng sự nghiệp khoa học luôn gắn liền lịch sử và văn hóa dân tộc.

Trần Văn Giáp (1902 - 1973).
Trần Văn Giáp (1902 - 1973).

Mối lương duyên với EFEO

Học giả Trần Văn Giáp tự là Thúc Ngọc, sinh ngày 13/10/1902 tại Hà Nội; quê quán ông ở làng Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Thân phụ ông là Trần Văn Cận, đỗ cử nhân nhưng chỉ ở nhà làm ruộng và dạy học.

Thuở nhỏ, Trần Văn Giáp học chữ Hán; 14 tuổi thi hương và đỗ Tam trường. Sau đó, ông chuyển sang học tiếng Pháp. Sau khi học hết bậc tiểu học, Trần Văn Giáp thi đỗ vào trường Sư phạm, nhưng sau một năm, vì khó khăn kinh tế buộc phải bỏ học, xin vào làm hợp đồng chép sách chữ Hán cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (L'Ecol Francaise d'Exhême - Orient - EFEO).

Từ đây, Trần Văn Giáp gắn bó với EFEO cho đến ngày kháng chiến chống Pháp, khoảng 27 năm. Kể cả thời kỳ sau 1958 khi EFEO không hoạt động ở Hà Nội nữa thì ông vẫn gắn bó với kho tài liệu do EFEO để lại, để làm nên sự nghiệp khoa học lừng lẫy của mình. Cho đến cuối đời, Trần Văn Giáp vẫn tá túc tại một căn phòng tầng 2, một trong hai biệt thự của EFEO cũ tại 26 Lý Thường Kiệt - Hà Nội.

EFEO là cơ quan nghiên cứu khoa học của Chính phủ Pháp về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa lý nhân văn ở phương Đông, đảm bảo việc bảo tồn và gìn giữ các công trình lịch sử ở Đông Dương, chính thức thành lập ngày 20/1/1900. Trụ sở đầu tiên của EFEO ở Sài Gòn, năm 1902 thì dời ra Hà Nội.

Tại EFEO số lượng các nhà khoa học người Việt làm việc lúc đó rất ít, chỉ có năm người, đó là: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan và Nguyễn Thiệu Lâu.

Công việc thư tả - chép sách chữ Hán suốt ngày bút nghiên vất vả và bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn là một cơ may hiếm hoi đối với những thanh niên bản xứ có trình độ học vấn. Với chí tiến thủ, không bằng lòng với tri thức Hán học, ông theo học chữ Pháp ban đêm. Ông học giỏi, rất nhanh chóng đọc được những tác phẩm văn học - chính luận của các văn hào, triết gia Pháp như Molier, J.Rousseau, Voltaire…

Dưới ngăn bàn làm việc của ông luôn dấu sẵn sách Pháp văn để có dịp là "đọc vụng". Có một lần vì đọc quá mê say, ông bị viên phụ trách thư viện bắt quả tang đọc trộm sách. Viên phụ trách người Pháp từ nghiêm khắc đến sững sờ kinh ngạc, vì nhân viên trẻ chép chữ Hán này lại thông thạo tiếng Pháp và đọc sách của các nhà khoa học lừng danh nước Pháp.

Không bị quở trách, ông còn được thăng lương vượt cấp, được chuyển ngạch công việc, không làm chép sách nữa, mà điều hành những công việc mang tính khoa học về tổ chức thư viện và khai thác thông tin trong các phông sách. Và đến năm 1927, Trần Văn Giáp được EFEO cử sang Pháp học tập và nghiên cứu và giảng dạy.

Năm năm ở Pháp, Trần Văn Giáp theo học bốn trường: Cao đẳng thực hành Sorbonne (Ecole pratique des Hautes Études de la Sorbonne) và bảo vệ luận văn xuất sắc: Le Bouđhisme en Annam dé origine au XIII Siècle - Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIII; Viện cao học Hán Văn (Institut de Hautes Éudies Chinoises de Paris) và bảo vệ luận văn: Lé chapitres Bibliographique de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú - Những chương thư mục của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú; Trường đại học Paris (Université de Paris) Khoa văn học; Trường đại học Pháp (Collège de France).

Ngoài ra, ông còn tranh thủ thời gian học nhiều bộ môn khoa học khác có liên quan đến phương Đông, đến ngôn ngữ, dân tộc, thư viện và thư mục. Năm năm học được bốn bằng đại học, bảo vệ hai luận văn khoa học, và nhiều kiến thức cơ bản khác đã định hướng sự nghiệp khoa học và đặt nền móng cho ông trở thành một trong những học giả hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà trong thế kỷ XX.

Năm 1932, về nước, Trần Văn Giáp tiếp tục làm việc ở EFEO, phụ trách hai trong số ba phòng sách lớn nhất thư viện là phòng sách Hán - Nôm Việt Nam và phòng sách Trung Quốc cổ gồm toàn bộ Tứ Khố Toàn Thư Trung Quốc soạn vào đời vua Càn Long (1773) và thư tịch Trung Quốc từ sau đó cho đến đầu thế kỷ XX.

Cũng trong thời gian này, Trần Văn Giáp còn tham gia các hoạt động xã hội, là thành viên của Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Trần Văn Giáp rời EFEO để tham gia kháng chiến chống Pháp, làm việc ở Bộ Giáo dục. Năm 1957, ông trở lại EFEO với tư cách thành viên của phái đoàn Việt Nam đàm phán với đại diện Pháp ở Hà Nội về việc tiếp quản lại toàn bộ EFEO. Sau đó ông chuyển sang công tác ở Viện Sử học cho đến lúc nghỉ hưu.

Những công trình để đời

Ở EFEO, Trần Văn Giáp vừa là một người phụ trách thư viện, đồng thời là một nhà nghiên cứu khoa học. Đây là một thuận lợi rất lớn đối với nhà khoa học Trần Văn Giáp vì ông có trong tay cả một kho sách, tư liệu đồ sộ.
Công trình nghiên cứu công bố đầu tiên của Trần Văn Giáp là luận văn Le Bouđhisme en Annam dé origine au XIIIe Siècle - Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIII. Trong công trình này ông đã bác bỏ thuyết nguồn gốc Phật giáo Việt Nam là chỉ từ Trung Hoa sang và khẳng định còn có con đường du nhập Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ sang miền Bắc Việt Nam nữa.

Luận văn Lé chapitres Bibliographique de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú - Những chương thư mục của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, có thể coi là công trình nghiên cứu thư mục đặt nền móng cho việc nghiên cứu thư mục ở Việt Nam và là sự chuẩn bị cho những công trình lớn của ông sau này.

Năm 1938, ông cộng tác với Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác soạn quyển Vần quốc ngữ; năm 1942, cùng Bùi Kỷ biên soạn Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản. Trong thời gian này, ông còn xuất bản Lược khảo về khoa cử Việt Nam (1941), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (1942 - chữ Hán); Hà Nội Viễn Đông khảo cổ học viện hiện tàng Việt Nam Phật điển lược biên (1943 - chữ Hán).

Sau 1955, Trần Văn Giáp có các công trình như: Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập (cùng Phạm Trọng Điềm); Lưu Vĩnh Phúc, tướng cờ đen; Bích Câu kỳ ngộ khảo thích. Vân đài loại ngữ (biên dịch, khảo tích); Lược truyên các tác gia Việt Nam (chủ biên); Phong thổ Hà Bắc (biên dịch, khảo thích); Nguyễn Trãi toàn tập (đồng tác giả); Từ điển tiếng Việt (đồng tác giả); Lược sử vấn đề chữ Nôm, Ngọc Kiều Lê (Biên dịch, khảo thích); Lịch sử Trung Quốc, Lịch sử cận đại Trung Quốc (dịch); Việt sử thông giám cương mục (cùng Hoa Bằng và Phạm Trọng Điềm); Lược khảo chữ Nôm (xuất bản năm 2002, Lê Văn Đặng hiệu đính).

Một số bản thảo chưa xuất bản như Danh nhân Hà Bắc, về vấn đề giao lưu văn hóa Việt Nam và Triều Tiên. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài viết giá trị trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử và trên các tạp chí nghiên cứu khoa học khác.

Công trình lớn nhất của ông là Tìm hiểu kho sách Hán Nôm; Tập I được Thư viện Quốc gia xuất bản năm 1971, Tập II được NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản vào năm 1990.

Bộ sách Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm là một thư tịch chí, bao quát 428 tác phẩm văn học và sử học Việt Nam từ xưa cho đến đầu thế kỷ XX, gấp đôi số sách được nêu trong Văn Tịch Chí của Phan Huy Chú và gấp bốn số sách được nêu trong Nghệ Văn Chí của Lê Quý Đôn. Đây là một công trình khoa học rất giá trị về thư tịch văn học - lịch sử cổ điển Việt Nam.

Bộ sách bao gồm tám phần: 1. Lịch sử (166 tác phẩm); 2. Địa lý (37 tác phẩm); 3. Kỹ thuật (10 tác phẩm); 4. Ngôn ngữ (14 tác phẩm); 5. Văn học (151 tác phẩm); 6. Tôn giáo (17 tác phẩm); 7. Triết học (20 tác phẩm); 8. Sách tổng hợp (17 tác phẩm).

Mỗi tác phẩm ông đều có thẩm định sơ bộ để đánh giá giá trị các tác phẩm, chỉ ra các tác phẩm hay các tác giả dễ lầm lẫn với nhau, nguỵ tác… Đặc biệt là khi giới thiệu một tác phẩm, ông còn nêu ra nguồn tư liệu liên quan đến tác phẩm đó. Về mặt văn bản học, ông nêu ra những nguỵ tác (như: Binh thư yếu lược, Lê Hoàng ngọc phả, Thánh Tông di thảo, Việt sử tiệp kính…), giúp ích rất nhiều cho bạn đọc và nhất là giới nghiên cứu.

 

Trần Văn Giáp tạ thế ngày 25/11/1973. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Cuộc đời Trần Văn Giáp là một tấm gương trí thức suốt đời cống hiến cho khoa học vì sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Bài học lớn nhất mà ông để lại là tận dụng mọi cơ hội để học thành tài, kiên trì theo đuổi sự nghiệp khoa học, vận dụng các kiến thức khoa học hiện đại để nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc.