Trang phục tốt nghiệp: Quan trọng nhất là sự phù hợp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Liên quan đến trang phục Hiệu trưởng ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) sử dụng tại buổi lễ tốt nghiệp, tiếp tục có thêm nhiều ý kiến bàn luận. Vấn đề được đặt ra bây giờ không phải câu chuyện đúng hay sai mà là phù hợp hay không phù hợp?

Không vi phạm

Hình ảnh về bộ trang phục tại lễ trao bằng tốt nghiệp của ĐH Kinh tế (ĐHQGHN), đặc biệt là trang phục của hiệu trưởng với áo nhung, mũ đỏ, tay cầm quyền trượng, cổ đeo vòng vẫn thu hút sự quan tâm và ý kiến trái chiều của dư luận.

Lễ trao bằng tốt nghiệp của ĐH Kinh tế- ĐHQGHN 
Lễ trao bằng tốt nghiệp của ĐH Kinh tế- ĐHQGHN 

Một số người cho rằng, nhiều ĐH trên thế giới cũng sử dụng trang phục tương tự ĐH Kinh tế. Ở đất nước họ, trang phục này là truyền thống lâu đời và quyền trượng là biểu tượng cổ xưa của uy quyền, cũng là lời nhắc nhở về quá trình học tập vất vả.

Ở Việt Nam, trang phục tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) được cho là rất lạ và rất mới. Tuy nhiên, khi Giám đốc ĐHQGHN có yêu cầu hiệu trưởng ĐH Kinh tế báo cáo sự việc bằng văn bản, nhiều người đặt câu hỏi ngược lại: Trường đã làm gì sai và có vi phạm quy định nào không?

Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Từ trước đến nay, lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên, học viên sau đại học được tổ chức trang trọng tại cơ sở giáo dục hoặc tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Trang phục sử dụng trong các buổi trao bằng ở mỗi cơ sở giáo dục có thể khác nhau nhưng cơ bản là màu xanh, màu đen và màu đỏ với kiểu/mẫu truyền thống. Đây có thể là lễ phục/đồng phục của sinh viên, học viên ở các cơ sở giáo dục này nhưng cũng có thể do cơ sở giáo dục thuê của các tổ chức cung cấp dịch vụ bên ngoài.

“Dưới góc độ pháp lý thì việc mặc lễ phục như ĐH Kinh tế là không vi phạm pháp luật. Cá nhân tôi cho rằng đây là một buổi trao bằng ấn tượng và lạ. Đổi mới về nội dung và hình thức trong giáo dục là cần thiết, dù vậy nhà trường cũng cần phải tính toán sao cho phù hợp với văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục…”- Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.

Có nên làm khác người?

Bên cạnh việc yêu cầu trường ĐH Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức trao bằng tốt nghiệp; Giám đốc ĐHQGHN đồng thời đề nghị Hiệu trưởng ĐH Kinh tế chỉ đạo rà soát và điều chỉnh về trang phục lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh xảy ra sự việc tương tự.

Nêu quan điểm cá nhân về sự việc này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phân tích: Về trang phục tốt nghiệp, lâu nay các trường đều tổ chức buổi trao bằng tốt nghiệp rất trang trọng mà không vấp phải ý kiến gì từ dư luận. Vậy tại sao trường ĐH Kinh tế lại rơi vào tình huống này? Ở đây, người trong cuộc cần nhìn nhận nghiêm túc, cầu thị về vấn đề trên.

Lễ trao bằng tốt nghiệp là một nghi thức quan trọng và cũng là hoạt động thường niên của các cơ sở đào tạo đại học
Lễ trao bằng tốt nghiệp là một nghi thức quan trọng và cũng là hoạt động thường niên của các cơ sở đào tạo đại học (Ảnh minh họa)

Lễ trao bằng tốt nghiệp là một nghi thức quan trọng và cũng là hoạt động thường niên của các cơ sở đào tạo đại học. Mỗi trường có trang phục tốt nghiệp riêng nhưng cơ bản đều có mũ, áo, biểu tượng. Trang phục tốt nghiệp cần phù hợp và nên thực hiện theo quy định để thể hiện sự trang trọng, tôn vinh các sinh viên đã nỗ lực sau thời gian dài học tập; do đó không nên làm khác người, tránh việc vừa tốn kém vừa làm mất ý nghĩa tốt đẹp của buổi lễ.

Hiện ĐH Kinh tế chưa có câu trả lời chính thức về vấn đề trên. Tuy nhiên, trường sẽ có báo cáo bằng văn bản gửi về ĐHQGHN trước 2/8- theo đúng yêu cầu của Giám đốc ĐHQGHN tại Công văn số 2548/ĐHQGHN-VP ngày 31/7 của ĐHQGHN.

 

Trong Thông tư 26 năm 2009 quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT quy định: Áo là áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Mũ: Màu của mũ phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng.

Biểu trưng (logo) của trường thường được gắn ở ngực áo bên trái. Khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.