Trong văn bản trên, Bộ GTVT thẳng thắn thừa nhận hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, gây ra nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Điển hình như việc khai thác dữ liệu thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo 1 qua phần mềm chậm nhiều ngày…
Từ đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Sở GTVT các địa phương cần kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe; chủ động nhận diện các nội dung tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Yêu cầu chấn chỉnh này của Bộ GTVT được kỳ vọng tránh những tiêu cực phát sinh trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được Bộ GTVT phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch, cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Bộ GTVT cũng liên tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép.
So với “người hàng xóm” cũng được đánh giá là lĩnh vực nhiều phức tạp như đăng kiểm thì rõ ràng, lĩnh vực đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe tốt hơn rất nhiều, ít nhất là cho tới lúc này.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, với đặc thù là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, với nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, thậm chí là sai phạm nếu như công tác quản lý, giám sát bị buông lỏng.
Nguy cơ này càng trở nên lớn hơn khi xu hướng xã hội hóa các lĩnh vực GTVT, trong đó có đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang ngày càng mạnh mẽ và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng đã được phân cấp tương đối triệt để cho địa phương.
Thế mạnh của xã hội hóa các lĩnh vực là điều không cần phải bàn cãi nhưng thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Chẳng nói đâu xa, trong lĩnh vực GTVT cũng có không ít bài học nhãn tiền từ mặt trái của xã hội hóa, điển hình là mô hình BOT trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hay mới nhất là những bê bối xảy ra đối với ngành đăng kiểm.
Do đó, với lĩnh vực đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, hơn lúc nào hết phải đặc biệt nâng cao công tác quản lý, giám sát, đề phòng mọi nguy cơ tiêu cực dù là nhỏ nhất. Có như vậy, lĩnh vực này mới không đi vào “vết xe đổ” của ngành đăng kiểm để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, tránh được những rủi ro cho mỗi gia đình và cho toàn xã hội.