Lấy cảm hứng chính từ dòng tranh dân gian Hàng Trống, dưới sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này - ông Lê Đình Nghiên, L'HÔTEL du LAC Hanoi (35 - 37 Hàng Trống) là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp dân gian và kiến trúc hiện đại, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, như một bảo tàng văn hóa dân tộc đầy cuốn hút.
Nguồn cảm hứng từ nghệ thuật dân gian
Tranh Hàng trống là dòng tranh khắc gỗ truyền thống của miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh những dòng tranh nổi tiếng Đông Hồ hay Kim Hoàng mộc mạc, cổ kính, tranh Hàng Trống từng được nhắc đến như một nét văn hóa của giới quan lại thượng lưu nơi kinh đô Huế phồn hoa bởi sự tinh xảo về kỹ thuật và kích thước.
Ra đời từ thế kỷ XVII, dòng tranh này gắn liền với địa danh phố Hàng Trống, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có lẽ là thời điểm phồn thịnh nhất của dòng tranh Hàng Trống, với nhiều đề tài gắn bó mật thiết với sinh hoạt đời thường của người Việt từ chúc tụng, giải trí đến giáo huấn, tín ngưỡng, lịch sử... Các bức tranh Lý ngư vọng nguyệt, Tùng cúc trúc mai, Chợ quê và hàng loạt tranh thờ như Ngũ hổ, Mẫu Thượng Ngàn… đều là những kiệt tác, toát lên vẻ sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam.
Ngày nay, do một số điều kiện chủ quan cũng như khách quan, tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đang dần mai một. Chính vì vậy, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống, đặc biệt là dòng tranh dân gian Hàng Trống đang được UBND quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Trống quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc khôi phục, bảo tồn.
Những nghệ nhân có đôi bàn tay vàng vẫn đang đau đáu với nghề, cố níu giữ lấy nghề của cha ông truyền lại. Cùng với đó, các cơ sở du lịch, lưu trú trên địa bàn phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cũng hết sức nỗ lực giới thiệu dòng tranh này đến du khách trong và ngoài nước.
Nét chấm phá di sản trong đời sống hiện đại
Tọa lạc tại số 35 - 37 Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội L'HÔTEL du LAC Hanoi lấy niềm cảm hứng chính từ những mảng màu rực rỡ và ý nghĩa văn hóa bền đẹp của tranh Hàng Trống, dưới sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này - ông Lê Đình Nghiên.
Mang lại nét đẹp vàng son nổi tiếng một thời quay lại với nơi nó được sinh ra và thuộc về, mọi điểm chạm của khách sạn đều được thiết kế như một buổi triển lãm nghệ thuật, với trung tâm là bộ sưu tập tranh Hàng Trống do chính nghệ nhân Lê Đình Nghiên tạo nên. Những đường nét, họa tiết, màu sắc, đặc trưng của tranh Hàng Trống còn thể hiện sáng tạo và tinh tế trong cả không gian kiến trúc lẫn trang trí nội thất, phối màu.
Các bức hoạ nổi tiếng được bài trí ở khắp các không gian trong khách sạn từ sảnh check in, quầy bar, thang máy, nhà ăn, skybar, spa… Một trong những bức tranh được yêu thích nhất là bức “Cá chép vượt vũ môn” - tượng trưng cho khát vọng vươn lên và ý chí quật cường. Theo truyền thuyết, cá chép đã từ chối chấp nhận số phận của những con cá bình thường và giành chiến thắng trong cuộc thi vượt qua Cổng mưa, từ đó biến mình trở thành rồng, là vua của tất cả các sinh vật dưới nước.
Bức tranh này không chỉ thể hiện mong muốn mang đến một cách tiếp cận mới về việc bảo tồn những giá trị truyền thống, mà còn là niềm tin của đội ngũ ban lãnh đạo - những người trẻ đầy nhiệt huyết và hết mình hồi sinh dòng tranh quý hiếm một thời và quảng bá rộng rãi đến du khách khi ghé tới Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ông Vũ Quang Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM & DVDL Vũ Lê - đơn vị chủ quản của L'HÔTEL du LAC chia sẻ: “Trong quá trình đến sinh sống, làm việc và trải nghiệm tại phố Hàng Trống - khu vực hội tụ nhiều giá trị văn hóa lâu đời nhất, tôi may mắn được tiếp cận và truyền cảm hứng kinh doanh từ chính dòng tranh này. Có lẽ chẳng có nơi nào phù hợp để mang L’HÔTEL du LAC đến với du khách quốc tế hơn phố Hàng Trống. Chúng tôi luôn tin và hy vọng tranh Hàng Trống sẽ không mất đi mà vẫn được duy trì và phát triển, để mãi lưu giữ được một nét tinh thần riêng có của chốn kinh kỳ ngàn năm cũng như một vốn cổ của dân tộc”.