Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tránh khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu, Thụy Sĩ dành đặc quyền cho Credit Suisse

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù trấn an rằng Credit Suisse duy trì vốn và thanh khoản tốt, giới chức Thụy Sĩ vẫn sẵn sàng chống lưng cho gã khổng lồ tài chính này.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cam kết sẽ bơm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết. Ảnh: AP
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cam kết sẽ bơm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết. Ảnh: AP

Ngày 15/3, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cam kết sẽ bơm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết.

Theo Reuters, đây là ngân hàng toàn cầu đầu tiên được cam kết như thế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong tuyên bố chung với Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA), Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ thông báo về chuyện bơm vốn, nhưng cho rằng Credit Suisse vẫn ổn và "đáp ứng được yêu cầu vốn và thanh khoản đối với một ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống".

Động thái cam kết bơm vốn từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ nhằm ngăn chặn khủng hoảng niềm tin đối với ngân hàng lớn thứ hai của nước này. Tuy nhiên, nếu niềm tin với Credit Suisse tiếp tục suy yếu, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có lẽ sẽ phải can thiệp.

Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm hơn 30% trong ngày 15/3, sau nhiều tháng bất ổn. Cổ phiếu Credit Suisse, từng đạt giá trị 80 franc Thụy Sĩ vào năm 2008, lao dốc về còn 1,55 franc Thụy Sĩ trong ngày thứ Tư. Theo các nguồn tin từ Reuters, nhiều chính phủ và ít nhất một ngân hàng đã kêu gọi Thụy Sĩ hành động.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và FINMA đang tìm cách củng cố niềm tin về Credit Suisse, cho rằng "không có dấu hiệu nào cho thấy những rối loạn trên thị trường ngân hàng Mỹ sẽ gây rủi ro lan truyền trực tiếp tới các định chế tài chính ở Thụy Sĩ".

Credit Suisse hoan nghênh tuyên bố hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và FINMA.

Trước đó, giới đầu tư lo ngại sau khi biết tin nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse cho biết họ không muốn bơm thêm vốn. Trong ngày 15/3, Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, nói rằng không thể nâng cổ phần quá 10% do các quy định luật pháp.

Điều này diễn ra sau khi ngân hàng này xác nhận họ đã phát hiện ra “những lỗ hổng trong quá trình kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính” trong hai năm 2021 và 2022.