Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trào lưu học tiếng Hoa nở rộ ở Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tỷ lệ số trường học cấp hai và ba có chương trình dạy tiếng Hoa, cũng như số học sinh tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ cũng tăng lên với tốc độ đáng ngạc nhiên.

KTĐT - Tỷ lệ số trường học cấp hai và ba có chương trình dạy tiếng Hoa, cũng như số học sinh tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ cũng tăng lên với tốc độ đáng ngạc nhiên.

Dựa trên kết quả khảo sát chương trình giáo dục do chính phủ Mỹ tài trợ, tờ New York Time đã làm một phóng sự về trào lưu học tiếng Hoa đang nở rộ ở nước này. Nó phản ánh sự quan tâm của người Mỹ đến ngôn ngữ của Trung Quốc - nước vừa trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu và đang tiến đến vị trí nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Hàng nghìn trường công lập ở Mỹ đã bỏ các giờ ngoại ngữ được chính phủ tài trợ và tự chi tiền để tiến hành các buổi dạy tiếng Trung Quốc cho học sinh.

Tại trường Yu Ying ở Washington, các tiết học được tiến hành bằng hai ngôn ngữ thay đổi lẫn nhau là tiếng Anh và tiếng Hoa. Các nhà giáo dục ở đây cũng như cha mẹ học sinh cho rằng nếu các em thuần thục hai ngôn ngữ này, cánh cửa tương lai sẽ mở ra với đầy cơ hội.

Ngoài cách trường tự trả tiền để tổ chức các lớp học tiếng Hoa, hàng trăm trường học đang được nhận sự hỗ trợ từ nơi khác. Chính phủ Trung Quốc đã gửi nhiều giáo viên từ Trung Quốc đến các trường học trên toàn thế giới và trả lương cho họ. Trong thời buổi khó khăn khủng hoảng, các trường học Mỹ tất nhiên sẽ khó lòng từ chối một sự giúp đỡ như thế.

Tại Massillon, Ohio, trường trung học Jackson bắt đầu dạy tiếng Hoa vào mùa thu năm 2007 với 20 học sinh. Giờ đã có 80 em theo học, Parthena Draggett, trưởng khoa ngoại ngữ của trường cho hay.

"Chúng tôi có một giáo viên tiếng Hoa miễn phí", bà nói. "Chúng tôi cũng muốn mở chương trình giảng dạy tiếng Tây Ban Nha, nhưng không kiếm đâu ra một giáo viên không cần nhận lương".

Trên thực tế, giáo viên tiếng Hoa ở trường Jackson không phải là không có lương. Chính phủ Trung Quốc trả một phần lương, và chính quyền địa phương trả một phần cho ông thầy.

Hiện chưa có con số chính xác, nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát do chính phủ Mỹ tiến hành thì có khoảng 1.600 trường công và tư của Mỹ đang dạy tiếng Hoa, tăng 300 so với 10 năm trước. Và con số này càng ngày càng tăng.

Tỷ lệ số trường học cấp hai và ba có chương trình dạy tiếng Hoa, cũng như số học sinh tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ cũng tăng lên với tốc độ đáng ngạc nhiên. Cách đây 10 năm, những trường có dạy tiếng Hoa chủ yếu là ở bờ đông và bờ tây Mỹ. Nhưng giờ đây, cả những trường ở sâu miền trung, những nơi không có đông cộng động người Hoa, cũng góp mặt.

Những năm 1980, khi Nhật Bản bắt đầu nổi lên và cạnh tranh vị thế kinh tế với Mỹ, tiếng Nhật được người Mỹ học nhiều. Tuy vậy ngôn ngữ này giờ đây không còn được quan tâm như trước. Không chỉ tiếng Nhật, một loạt ngôn ngữ khác cũng đánh mất vị thế là ngoại ngữ được học nhiều ở Mỹ, như tiếng Pháp, Đức hay là tiếng Nga.

Các chuyên gia về ngôn ngữ cho rằng có một số yếu tố khiến việc học tiếng Hoa trở nên mạnh mẽ hơn. Cha mẹ, học sinh và các nhà giáo nhận thấy rằng Trung Quốc đang nổi lên như là một quốc gia quan trọng và vì thế họ tin là học tiếng Hoa sẽ mang lại nhiều cơ hội trong cuộc sống và sự nghiệp.

Nhân tố nữa là sự thúc đẩy của một chương trình phối hợp giữa cơ quan giáo dục phổ thông Mỹ với Hanban - một tổ chức thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Từ năm 2006, Hanban đã mời hàng trăm giáo viên và các nhà quản lý giáo dục Mỹ thăm Trung Quốc, chi phí do Hanban chịu. Và từ đó nhiều chương trình dạy tiếng Hoa ra đời trên đất Mỹ.

Từ 4 năm nay, Hanban đã đưa 325 giáo viên tình nguyện người Trung Quốc sang làm việc tại các trường học Mỹ với thời hạn một năm, và trả cho họ 13.000 USD tiền lương. Hợp đồng làm việc của các giáo viên này có thể kéo dài thành 3 năm nếu muốn. Ngoài khoản này, chính quyền địa phương ở Mỹ còn chi trả thêm lương, nhà ở, bảo hiểm cho giáo viên, khiến họ có mức sống tương đương với giáo viên bản địa.

Như ở trường Jackson ở Ohio chẳng hạn, sau chuyến thăm Trung Quốc, bà trưởng bộ môn Draggett trở về với đầy nhiệt huyết để bắt đầu một chương trình giảng dạy tiếng Hoa. "Tiếng Hoa đang bắt rễ ở đây", bà nói và cho biết thêm rằng kể từ mùa thu năm nay, số tiết dạy tiếng Đức sẽ giảm dần.

Còn ở trường Yu Ying - nơi các em nhỏ từ tuổi mẫu giáo đến cấp hai đều học các môn bằng hai thứ tiếng Anh và Hoa - các nhà quản lý không sử dụng giáo viên khách của Hanban, họ muốn người dạy gắn bó lâu với trường.

"Chương trình mời giáo viên đó rất tốt đối với nhiều trường, nhưng chúng tôi muốn giáo viên ở đây thật lâu", hiệu trưởng Mary Shaffner cho biết. Trường Yu Ying thuê 5 giáo viên người Trung Quốc bản ngữ đang sống ở Mỹ. Một trong số đó là Wang Jue, di cư tới Mỹ năm 2001 và đã tốt nghiệp đại học Maryland.

Sau một tháng được cô dạy, các em bé mẫu giáo của trường này đã có thể nói những câu ngắn như "Cháu muốn ăn trưa" hoặc "Cháu đang tức đấy" bằng tiếng Hoa.