Trao nghề nghiệp và việc làm cho học viên cai nghiện

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học viên cai nghiện (CNMT) rất khó tìm việc vì mất lòng tin với bản thân, gia đình và xã hội.

Với mong muốn học viên nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội đã tư vấn, hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm cho 1.050 học viên.

Tạo điều kiện cho học viên làm lại từ đầu

Tư vấn và giải quyết việc làm cho học viên CNMT là hết sức quan trọng khi tái hòa nhập cộng đồng nhằm đảm bảo tránh tái nghiện. Hoạt động tư vấn và giải quyết việc làm cho học viên được Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội cũng phối hợp với Trung tâm DVVL Hà Nội triển khai thường xuyên (trừ năm 2021 không thực hiện do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp). Cách đây ít ngày, Chương trình Tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi trở về cộng đồng tại Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội thu hút 150 học viên và nhiều cán bộ tham dự.

Học viên cai nghiện ma túy được học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Trần Oanh
Học viên cai nghiện ma túy được học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Trần Oanh

“Chúng tôi tổ chức Chương trình này để học viên tham gia có định hình cũng như hiểu được năng lực và khả năng của mình có thể làm được công việc gì khi tái hòa nhập cộng đồng. Khi về cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân không sử dụng ma túy nữa thì rất cần sự đồng hành của gia đình giúp học viên tái hòa nhập và giải quyết việc làm. Nếu như không có 3 yếu tố này thì con đường dẫn đến nghiện ma túy rất ngắn và dễ dàng”- Giám đốc Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội Phí Anh Hoàng nhấn mạnh.

Để học viên CNMT có thể tìm được công việc khi tái hòa nhập cộng đồng, trong thời gian cai nghiện, Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội đã phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo các nghề hết sức đơn giản (điện, hàn điện dân dụng), mà địa phương đang cần nhân lực giúp học viên dễ kiếm việc làm và hòa nhập cộng đồng. Chương trình học nghề có một phần là lý thuyết, một phần thực hành. Sau khi học lý thuyết xong, học viên được thực hành ở xưởng với các máy móc, phương tiện kỹ thuật để có kỹ năng thuần thục.

Có một thực tế hiện nay, dù nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực với số lượng lớn nhưng học viên cai nghiện trở về đi tìm được việc làm hết sức khó khăn. Ở chừng mực nào đó, học viên cai nghiện bị mất lòng tin đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội do khi sử dụng ma túy bị rối loạn về tâm thần và tâm sinh lý nhất định. Cho nên, việc chấp hành, thực hiện các công việc không được như người bình thường, đó là rào cản đối với học viên cai nghiện trở về. Vì thế, cùng với khả năng và sự nỗ lực của bản thân học viên thì rất cần sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp giúp và đồng hành với người đã đi cai nghiện. Cũng như sự thay đổi của cộng đồng xã hội về những người sử dụng ma túy để họ có cơ hội làm lại từ đầu.

Nhiều học viên đã đến Trung tâm tìm việc

Thực hiện chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm DVVL Hà Nội đã phối hợp với Cơ sở CNMT số I, II, III, IV, V, VI Hà Nội để tổ chức các Chương trình tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi trở về cộng đồng. Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, Trung tâm mong muốn các học viên có đầy đủ thông tin nhất và sẵn sàng tiếp cận với thị trường lao động, vị trí việc làm cao nhất, từ đó có công việc và thu nhập ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ tái nghiện rồi quay trở lại cơ sở CNMT.

“Từ năm 2015 đến nay, chương trình tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên CNMT trước khi trở về cộng đồng đã mang lại hiệu quả và kết quả tương đối tích cực, có nhiều học viên khi quay trở về cộng đồng đã đến Trung tâm, các điểm sàn giao dịch việc làm và được kết nối tìm việc” - ông Vũ Quang Thành đánh giá.

Theo thông tin từ Trung tâm DVVL Hà Nội, năm 2022 đã thực hiện Chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm với sự tham gia của 1.050 học viên tại 7 cơ sở CNMT. Phần tư vấn tập trung giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm DVVL Hà Nội để giúp học viên có thể tiếp cận đến thị trường lao động sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Các học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng có thể đến các Điểm - Sàn giao dịch việc làm vệ tinh gần nhất thuộc Trung tâm DVVL Hà Nội để được hỗ trợ, giới thiệu việc làm phù hợp. Học viên còn được cung cấp thông tin thị trường lao động, những chỉ tiêu vị trí việc làm trống của các DN, thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề, trường nghề; cũng như những kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin việc, tham dự phỏng vấn...

Từ việc khảo sát thu thập thông tin về nhu cầu tìm kiếm việc làm và học nghề của Trung tâm DVVL Hà Nội cho thấy: Tổng số phiếu phát ra 1.050 phiếu, thu về 902 phiếu có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm, đạt tỉ lệ 86%. Kết quả tư vấn trực tiếp cho thấy học viên đăng ký học nghề nhiều ở các ngành Cơ khí, Sửa chữa ô tô - xe máy, Nấu ăn - pha chế đồ uống, Sửa chữa điện thoại, Lái xe, Thợ hàn, Thợ điện.

Từ việc triển khai Chương trình tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi trở về cộng đồng, Trung tâm DVVL Hà Nội đánh giá: Chương trình đã giúp các học viên có cơ hội tiếp cận với các DN, cơ sở đào tạo nghề, biết được các chính sách mới về pháp luật lao động của Nhà nước, nắm được thông tin về thị trường lao động. Đây là cơ hội rất tốt để các học viên khi trở về cộng đồng tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống và an sinh xã hội.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục cùng với 7 Cơ sở CNMT lập hồ sơ theo dõi các học viên để tiến hành tư vấn, kết nối việc làm khi học viên trở về cộng đồng. Trung tâm cũng tìm kiếm những DN, đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động vừa học nghề vừa làm để tuyển dụng các đối tượng trong những cơ sở CNMT, mở rộng mạng lưới công ty tuyển dụng người sau cai nghiện, nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu việc làm.