Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tiêm chủng thực chất là tạo ra miễn dịch chủ động cho cơ thể. Khi tiêm chủng sẽ đưa vào cơ thể trẻ một lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng kháng nguyên này sẽ kích thích tạo ra kháng thể để phòng bệnh.
“Khi tiêm kháng nguyên vào người thì nhẹ nhất là phản ứng sốt, nếu không có phản ứng thì khó có thể sinh ra kháng thể. Trẻ càng khỏe mạnh, càng bụ bẫm càng dễ phản ứng. Sốt là phản ứng cơ bản, có thể sưng đau, đỏ tại vết tiêm. Đặc biệt, vaccine có thành phần toàn tế bào như ho gà có phản ứng mạnh hơn. Vaccine có thành phần vô bào sức sinh kháng thể không tốt, không mạnh bằng vaccine toàn tế bào. Y tế thế giới cũng đang bàn cãi giữa vaccine vô bào và toàn tế bào, song nhiều người ủng hộ vaccine toàn tế bào, nhất là tại các vùng dịch để khả năng tạo miễn dịch tốt hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Nói đến nguyên nhân trẻ tử vong sau tiêm chủng, Bộ trưởng phân tích: “Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi khoảng 20 – 30 trẻ/ngày với nhiều nguyên nhân, xong nếu rơi vào trẻ sau tiêm chủng thì nhiều người lại nghĩ là do vaccine, đây là nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan có thể là cơ thể trẻ quá mẫn cảm, phản ứng quá mạnh. Hoặc do gia đình không phát hiện kịp thời. Gia đình trẻ xa cơ sở y tế, khi đến nơi thì không cứu được nữa”.
Bộ trưởng chia sẻ, bản thân Bộ trưởng đã từng tiêm cho một bệnh nhân, ngay sau tiêm khoảng 30 phút cũng đã có phản ứng tím tái, khó thở. Do vậy, Bộ trưởng khẳng định, đã tiêm vaccine vào cơ thể ắt sẽ có phản ứng. Nhưng nếu không tiêm chủng chắc chắn sẽ mắc bệnh.
“Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên về tập huấn sau tiêm chủng, hội nghị có sự tham dự những chuyên gia hàng đầu của ngành y tế Việt Nam, sẽ bổ sung thêm một số tình huống thực tiễn trong xử lý phản ứng sau tiêm chủng. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân hiểu để chủ động đưa con em đi tiêm chủng, đồng thời hướng dẫn người dân cụ thể cách theo dõi trẻ sau tiêm, cách nhận biết các dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, từ 1/1/2019, vaccine mới ComBe Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do khuẩn Hib được chỉ định sử dụng thay thế vaccine Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ có phản ứng sau tiêm ghi nhận được là 2,5% phản ứng nhẹ (sưng, đau vết tiêm, sốt nhẹ), 0,05% có phản ứng nặng sau tiêm (sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài), đặc biệt đã có 3 cháu đã tử vong sau tiêm.
Trẻ thường có các phản ứng như: sưng, đau ít tại nơi tiêm. Đây là các phản ứng sau tiêm thường gặp. Tuyệt đối không chườm, đắp, bôi các vật lạ lên chỗ tiêm của trẻ. Trẻ cũng có thể có sốt, nếu sốt cao (từ 38,5 độ C) thì cho trẻ hạ sốt như khuyến cáo của bác sĩ. Nếu không may trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như co giật, khó thở... (tỷ lệ rất thấp) thì cho trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, hỗ trợ. Ngoài ra, sau khi tiêm chủng một số loại vaccine thì trẻ cũng có thể xuất hiện một số phản ứng sau tiêm như sốt, nổi ban rải rác... Nếu gia đình lo lắng đây có phải là tình trạng dị ứng hay không thì cần đưa em bé đến các cơ sở có chuyên khoa miễn dịch dị ứng trẻ em để được đánh giá, xác định nguyên nhân và tư vấn hỗ trợ. |