Gia tăng trẻ vị thành niên mang thai, đẻ con
Gần đây, sự việc một bé gái 13 tuổi ở Bắc Giang sinh con trong nhà tắm hay gần đây nhất là trường hợp một bé gái 11 tuổi ở tỉnh Phú Thọ sinh con đang làm dư luận không khỏi băn khoăn và xót xa. Điều đáng nói, cả gia đình, nhà trường đều tỏ ra bất ngờ và không hay biết trẻ đã trải qua giai đoạn mang thai trước đó.
Thực tế, tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận điều trị một trẻ gái 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên (VTN).
Trong khi đó, mới đây, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cũng tiếp nhận một nữ sinh vừa sinh con. Cô gái trẻ sinh năm 2009 phát hiện mình mang thai khi vừa học hết lớp 11, rất may mắn vì đã mẹ tròn con vuông.
Tuy nhiên, mang thai và sinh con khi đang ngồi trên ghế nhà trường khiến nữ sinh này không khỏi lo lắng. Cô gái trẻ này tâm sự: “Biết mang thai, em có cảm giác lo lắng, sợ hãi nhưng chỉ sau một thời gian ngắn em quyết định nói với bố mẹ về việc mình mang thai. Khi ấy, bố mẹ em rất sốc”.
Theo các bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đây không phải là trường hợp đầu tiên khoa tiếp nhận các sản phụ còn là học sinh lứa tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Gần đây nhất, hai sản phụ 15, 16 tuổi đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi thai đã lớn. Trong đó, có một nữ sinh lớp 10 ở Hà Nội. Theo lời nữ sinh này kể, hai năm trước, em nhận lời yêu bạn trai và nhanh chóng đồng ý quan hệ nhưng chưa từng dùng biện pháp tránh thai nào. Dù không thấy kinh nguyệt suốt nhiều tháng nhưng em không nghi ngờ gì. Gần đây, thấy bụng lớn bất thường, mẹ em đưa đi khám mới phát hiện con đã mang thai ở tuần thứ 21. Bất ngờ hơn, nữ sinh này mang song thai. Thai đã lớn, gia đình thuận theo lời khuyên giữ thai của bác sĩ.
Tương tự, vào tháng 10/2022, dư luận xôn xao khi hay tin cháu H.T. (sinh năm 2011, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) mang thai và sinh thường bé trai nặng 3,2kg. Do tuổi còn nhỏ, lại lần đầu sinh nở nên khi sinh, cháu có gặp chút khó khăn.
Trước đó, vào thời điểm dịch Covid-19, đã có một nữ sinh lớp 9 tại một trường cấp II ở ngoại thành Hà Nội mang thai và nghỉ học ngay sau đó. Cô giáo chủ nhiệm của nữ sinh này chia sẻ, khi dịch Covid-19 trẻ phải học online ở nhà, chỉ một vài ngày lên lớp học trực tiếp. Nữ sinh này có học lực trung bình và tính cách khá trầm, ít nói. Cô giáo cũng khá bất ngờ khi gia đình thông tin trẻ nghỉ học vì mang thai và sẽ tổ chức đám cưới ngay sau đó.
Báo cáo mới nhất công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế cho thấy, giai đoạn 2019-2021, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai. Số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chưa có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chiếm khoảng 2,5% - 3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Theo các chuyên gia, mang thai và sinh nở quá sớm, tiềm ẩn nhiều hệ lụy với các em về sức khỏe cũng như những ảnh hưởng về tâm lý.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thùy Trang – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay: “Trẻ VTN đang ở độ tuổi ăn chơi, học hành. Do mang thai ngoài ý muốn nên trẻ không có sự chuẩn bị trước, phải đấu tranh tâm lý việc có nên thông báo cho cha mẹ, bạn trai biết hay không, trong khi tâm lý, thể chất ở độ tuổi này chưa vững vàng, trẻ dễ trầm cảm, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực… Có nhiều trường hợp lo sợ, nếu không được hỗ trợ, động viên từ phía gia đình, người thân thì có thể có những ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần, trầm cảm sau sinh”.
Theo bác sĩ, làm mẹ khi quá trẻ, chưa trưởng thành cơ thể phát triển chưa đầy đủ dễ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đó là biến chứng thai kỳ tiềm ẩn. Tỷ lệ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở lứa tuổi này cao hơn so với những bà mẹ lớn tuổi, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.
“Trẻ mang thai và sinh con ở độ tuổi VTN có thể gây ra các bệnh lý của mẹ như thiếu máu, tiền sản giật, bệnh lý về tuyến giáp thậm chí là nguy cơ đẻ non và sảy thai.
Với các trường hợp mang thai và vào viện sinh con, là các trường hợp có nguy cơ đẻ khó, bệnh viện sẽ phải can thiệp bằng các thủ thuật hoặc thậm chí là phẫu thuật” - bác sĩ Nguyễn Thùy Trang cảnh báo.
Liên quan đến vấn đề này, TS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, VTN là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.
Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Giúp trẻ phòng tránh mang thai ngoài ý muốn
Đặc biệt, TS Đỗ Minh Loan lưu ý, mang thai ở tuổi VTN, trẻ dễ gặp những nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ. Mang thai ở tuổi VTN ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Cùng với đó là nguy cơ tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi VTN trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
Đặc biệt, theo chuyên gia, khi có thai ở tuổi VTN phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ VTN vào con đường bế tắc.
Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ VTN. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Công Định - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh, nam giới dưới 20 tuổi, nữ giới dưới 18 tuổi cơ thể chưa phát triển một cách hoàn thiện, ổn định cả về mặt sinh lý, thể chất và tâm lý; chưa có sự chuẩn bị về thể chất, tâm lý, kiến thức sinh sản và giới tính nên quan hệ tình dục sớm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau. Với nữ giới, do cơ quan sinh dục ở tuổi dậy thì chưa hoàn thiện, âm hộ và âm đạo rất yếu… nên việc quan hệ tình dục sớm có thể khiến màng trinh rách nghiêm trọng và tổn thương âm đạo, chức năng tự phòng ngừa của âm đạo bị giảm, dễ viêm nhiễm niệu đạo, âm hộ và âm đạo. Ngoài ra, quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai dễ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Theo các chuyên gia, VTN là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi VTN, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Cha mẹ cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ, cung cấp cho con kiến thức về sinh sản và sức khỏe tình dục bao gồm kiến thức về các chức năng của bộ phận sinh dục, biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục HIV/AIDS để hạn chế tình trạng có thai ngoài ý muốn ở tuổi VTN. Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi VTN (15-19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ VTN độ tuổi 15 đến 19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.