Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên 300 kiến nghị của doanh nghiệp được gửi tới Thủ tướng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong gần 3 thập niên qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Ngày 28/4, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị, VCCI đã tập hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trên 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong gần 3 thập niên qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trong nền kinh tế có tới trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước...
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước một giai đoạn khó khăn. Những yếu kém nội tại của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng rõ, nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường. Phải tái cấu trúc, phải đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu có tính chất sống còn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết.

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc đã trình bày những nhóm kiến nghị chính của doanh nghiệp liên quan đến hệ thống pháp luật về kinh doanh, kiến nghị cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường; thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt; tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cập tín dụng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần định hướng giúp các doanh nghiệp tạo ra bước bứt phá, đi tắt, đón đầu để đạt tới trình độ công nghệ tiến tiến trong khu vực; bảo đảm sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm công.

Liên quan đến quan hệ lao động, đề nghị tiếp tục giãn tiến độ tăng tiền lương tối thiểu ít nhất trong 2 năm (2014-2015) với mức tăng được ấn định tối đa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, bảo đảm mức tăng tiền lương phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có thể tính được để giảm bớt gánh nặng tăng chi phí quá nhanh cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, cũng đề nghị sửa đổi quy định về thời gian làm thêm đối với lao động trong Luật Lao động với mức tăng từ 200 giờ lên 300 giờ theo thỏa thuận của người lao động với chủ sử dụng lao động, phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc của từng ngành nghề và phù hợp với thông lệ và quy định pháp luật của các nước trong khu vực, bảo đảm sức cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam.

Về cải cách thủ tục hành chính và cải cách tư pháp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, doanh nghiệp tiếp tục đề nghị thực hiện gói giải pháp được đề ra trong Đề án 30, đơn giải hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành; thực hiện tin học hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền, trước hết là trong những lĩnh vực có nguy cơ nhũng nhiễu cao như đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai đầu tư, xây dựng.../.