Trên đường đời tưởng như thoáng qua nhau...

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị nghe tin anh lấy vợ hơi muộn, khi anh đã có cháu trai khỏe bụ bẫm, cặp mắt giống anh đến lạ. Mọi người cũng hỏi chị, sao hai người thân nhau thế mà đến việc anh ấy lập gia đình chị cũng không biết?

Khi chị lấy chồng, chị có gửi thiệp mời anh. Trong tiệc cưới, anh ngồi ăn uống vui vẻ như bao người khác. Chị phần vì đông khách, phần bận rộn nên cũng không để ý đến anh nhiều. Chị chỉ biết, hôm đó anh uống rất say, đến nỗi bạn phải dùng xe chở anh về chứ anh không tự về được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với chị, anh như người thân, đến nỗi chị coi anh như là anh em trai ruột thịt. Chị nhận tình cảm của anh như là chuyện tự nhiên, anh đương nhiên phải chăm sóc mình vậy. Hai đứa gần nhà nhau, nên thường đi học cùng nhau. Thông thường, mỗi đứa một chiếc xe đạp, nhưng thỉnh thoảng chị lại bắt anh chở vì… xe đạp hỏng.

Dần dà, xe đạp của chị mới thỉnh thoảng… không hỏng, có nghĩa là anh gần như suốt tuần phải hở chị. Dù đường đến trường chỉ vài ba cây số nhưng cũng khiến anh mướt mồ hôi vì phải qua con dốc tuy không cao nhưng khá dài. Đã vậy, lúc về nhà, anh thường phải đợi chị lâu, bởi chị lúc thì ở lại học thêm, lúc chép bài muộn…

Vui nhất là lúc đẹp trời, trên đường về, anh thong thả đạp xe, chị tay bám vào yên xe, tay cầm cuốn sách tranh thủ đọc vì đã đến hẹn trả sách cho bạn.
Không chỉ chuyện đi học. Anh còn bị chị cấm đoán đủ thứ, nhất là không được bao giờ than mệt, than đói, khát. Anh cũng không được dọc đường liếc xem cô này đẹp, cô kia xấu. Những lúc đó, anh chỉ cười và nói: “Cấm gì cũng được, nhưng riêng khát nước mà không được than thì chỉ có là… phát xít”.

Hai đứa lớn lên với nhau trong nhiều năm học phổ thông như thế rồi chị vào học đại học còn anh đi bộ đội. Lúc chị lấy chồng cũng là lúc anh mới ra quân. Lúc về nhà, anh đến thăm chị ngay, nhưng lúc đó chị đang bận việc dạy học và chuẩn bị mọi thứ linh tinh để làm đám cưới.

Sau ngày chị cưới, anh đi vào Nam, lập nghiệp. Chị nghe nói anh rất nhiều vất vả nhưng không biết tình hình cụ thể như thế nào. Cho đến khi bẵng nhiều năm sau khi anh đã có con trai hơn ba tuổi, chị mới biết anh đã lập gia đình. Anh hiện là chủ một nhà hàng ở trong một tỉnh miền Nam. Nhà hàng của anh với món chủ lực là đặc sản quê hương nên người cùng quê đến ủng hộ rất đông.

Dần dà, anh mở nhiều chi nhánh ở trong và ngoài tỉnh, thành chuỗi nhà hàng có thương hiệu nổi tiếng. Anh cũng chuyển sang đầu tư các ngành nghề khác như du lịch, bất động sản, xây dựng… Nhiều người biết chuyện nói với chị: “Anh ấy vẫn như xưa, lúc nào cũng chịu thiệt về mình, chỉ biết lặng lẽ làm”.

Chị cũng mừng cho anh vì biết anh buồn chuyện thi đại học không đậu và buồn về chuyện tình cảm với chị không thành.

Chị tưởng rằng, “chuyện tình” giữa mình với anh chỉ có thời học phổ thông, họ như hai số phận con người thoáng qua nhau trên đường đời. Nhưng mọi chuyện tưởng vậy nhưng không phải vậy. Những ngày gần đây, chồng của chị cứ bồn chồn, lo lắng. Chị thấy anh thao thức không ngủ được. Hỏi anh, chị mới biết là công trình xây dựng lớn do anh thầu bị đội giá liên tục do giá vật liệu tăng cao chưa từng có, nhân công cũng bị thiếu và giá tiền công tăng cao… Anh nói: “Không khéo thì vỡ nợ em ạ. Hay là mình bán nhà đi em?”.

Khi anh trở về quê, đến thăm nhà chị, lúc đó chị mới biết anh thường liên lạc với chồng chị vì hai người trao đổi công việc làm ăn với nhau trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Chồng chị cũng không nói cho chị biết về điều này. Anh về hỗ trợ thêm vốn cho chồng chị bằng cách góp cổ phần, tham mưu cho chồng chị về việc chỉnh đốn công việc…

Chồng chị tươi tỉnh trở lại vì thoát hiểm trong gang tấc. Chị bỗng nghĩ về anh: “Chúng ta có phải mắc nợ nhau từ kiếp trước không mà sao lúc nào anh cũng giúp em âm thầm vậy?”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần